Phiên giao dịch ngày 5/1 diễn ra trong trạng thái giằng co căng thẳng giữa bên mua và bên bán. Các chỉ số hầu như đi ngang quanh vùng tham chiếu.
VN-Index kết phiên giảm 3,18 điểm tương ứng 0,34% còn 925,91 điểm trong khi HNX-Index lại tăng 0,61 điểm tương ứng 0,6% lên 103,19 điểm. UPCoM-Index tăng 0,46 điểm tương ứng 0,85% lên 55,21 điểm.
Thanh khoản thị trường khá tốt. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 197,38 triệu cổ phiếu tương ứng 4.319,54 tỷ đồng và bứt phá mạnh mẽ tại HNX với 34,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 354,86 tỷ đồng. Sàn UPCoM có 7,87 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 118,27 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm sâu dù đà giảm chung của thị trường có phần chững lại
Điểm tích cực là trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã tăng giá đã áp đảo so với số lượng mã giảm. Có 327 mã tăng, 35 mã tăng trần so với 272 mã giảm và 44 mã giảm sàn.
Trong phiên này, VNM, VPB, PLX, VHM, HDB là những mã có ảnh hưởng tích cực lên chỉ số chính. Chiều ngược lại, SAB, BID, VCB, CTG, VJC là những mã có tác động tiêu cực. Riêng tác động từ SAB là 1,68 điểm; từ BID là 1,05 điểm và từ VCB là 0,97 điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số được hỗ trợ đáng kể nhờ diễn biến tăng trần tại cổ phiếu SHB. Chỉ riêng mã này đã đóng góp cho HNX-Index 0,88 điểm (trong khi mức tăng của chỉ số là 0,61 điểm), nói cách khác, một mình SHB “cân” cả sàn HNX.
SHB cũng là mã được giao dịch mạnh nhất thị trường trong ngày hôm qua. Trong phiên, mã này khớp lệnh tới hơn 13 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khối ngoại lại bán ròng hơn 142 nghìn đơn vị cổ phiếu SHB.
Tính đến nay đã là phiên thứ 5 thị trường giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Trong đó, đã có 4 phiên giảm, riêng hai phiên 30/1 và 31/1 giảm sâu lần lượt 31,88 điểm và 22,96 điểm do tác động của dịch cúm virus corona.
Thị trường nhìn chung đã có phần ổn định trở lại, không còn bán tháo tuy nhiên, tại nhiều mã, thiệt hại vẫn tiếp diễn.
Chẳng hạn, cổ phiếu SAB của Sabeco trong 5 phiên vừa qua đều giảm giá mạnh, riêng phiên 5/2 giảm 9.000 đồng tương ứng 4,43% còn 194.000 đồng/cổ phiếu và mất mốc 200.000 đồng. Vốn hoá thị trường của “ông lớn ngành bia” trong chưa tới 1 tuần đã “bốc hơi” 24.690 tỷ đồng.
Cổ phiếu ROS của FLC Faros cũng rơi vào tình trạng tương tự, có tới 3 phiên nằm sàn liên tiếp là phiên 3/2, 4/2 và 5/2. Giá cổ phiếu ROS trước Tết vẫn trên mệnh giá, nhưng hiện đã giảm còn 7.520 đồng/cổ phiếu, vốn hoá thị trường sụt mất 1.556 tỷ đồng.
VJC của Vietjet Air có phiên hồi phục đáng ghi nhận trong phiên 4/2 (tăng 3.500 đồng) nhưng sau đó lại quay trở lại tình trạng giảm giá. Với 4 trên 5 phiên giảm (1 phiên giảm sàn), vốn hoá Vietjet Air giảm 6.810 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng không có phiên nào tăng giá sau Tết nguyên đán. Mã này có 2 phiên giảm sàn trên tổng số 5 phiên giảm điểm, thiệt hại 8.935 tỷ đồng giá trị vốn hoá.
BVSC cho rằng, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu lực cản từ vùng kháng cự quanh 936 điểm. Tuy nhiên nhóm phân tích cũng lưu ý, sau 2 phiên thử thách vùng cản này không thành công, thị trường có thể sẽ đối mặt với nguy cơ giảm điểm trở lại để lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 898-910 điểm trong ngắn hạn.
Theo BVSC, diễn biến của dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro giảm điểm đối với thị trường vẫn đang hiện hữu trong ngắn hạn.
Trước bối cảnh đó, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn vẫn nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.
“Rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu nên nhà đầu tư cần hạn chế các hoạt động mua đuổi giá cao khi thị trường hồi phục mạnh” - báo cáo của BVSC nêu.
Mai Chi