Mặc dù tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đã khiến thị trường trải qua rung lắc khá mạnh, tuy nhiên, VN-Index vẫn đạt được mức tăng tốt 5,61 điểm tương ứng 0,56% trong phiên sáng nay (13/3) lên mức 1.006,93 điểm. HNX-Index tăng 0,72 điểm tương ứng 0,66% lên 110,27 điểm.
Sự giằng co được thể hiện rõ qua số lượng mã tăng giảm trên thị trường không có sự chênh lệch đáng kể. Trong khi có 276 mã tăng, 35 mã tăng trần thì các sàn cũng ghi nhận 260 mã giảm, 22 mã giảm sàn
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện với khối lượng giao dịch đạt 131,42 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.034,83 tỷ đồng và 34,42 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 451,59 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, VHM đang là mã có tác động tích cực nhất đối với VN-Index. Mã này tăng 2.500 đồng/cổ phiếu và đã đóng góp tới 2,55 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, VRE, VIC và các mã ngân hàng CTG, TCB, VPB… cũng là những mã có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số chung.
Ở chiều ngược lại, VJC sáng nay mất 1.100 đồng mỗi cổ phiếu. YEG tiếp tục giảm sàn phiên thứ 8, mất 10.300 đồng còn 137.300 đồng/cổ phiếu. Cùng với NVL, VCB, ROS… các mã này góp phần “níu” chỉ số khiến VN-Index chưa bứt phá được trong phiên sáng.
Trần Hùng Huy - vị chủ tịch trẻ tuổi và điển trai, người đã đưa ACB thoát ra khỏi sự cố bầu Kiên từ 2012
Trên HNX, cổ phiếu ACB bật tăng mạnh 700 đồng tương ứng 2,3% lên 31.600 đồng và là mã có tác động tích cực nhất đến diễn biến của HNX-Index. Mức tăng tại mã này đã kéo VN-Index tăng 0,83 điểm, hay nói cách khác, riêng mã này đang “cân” cả sàn HNX.
ACB vừa thông báo bà Trần Đặng Thu Thảo, chị gái của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã bán xong 2 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 0,16% số cổ phiếu có quyền niêm yết đang lưu hành. Theo đó, bà Thảo hiện không còn nắm cổ phần nào tại ACB. Giao dịch này được thực hiện trong ngày 6/3/2019 theo phương thức thỏa thuận.
Trước đó, bà Thảo cùng ông Trần Mộng Hùng (bố ruột ông Trần Hùng Huy) và ông Trần Minh Hoàng (em trai ông Trần Hùng Huy) đã thực hiện chuyển quyền sở hữu hơn 51 triệu cổ phiếu sang 3 công ty.
Cụ thể, ông Trần Mộng Hùng chuyển nhượng gần 23 triệu cổ phiếu cho CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen. Ông Trần Minh Hoàng chuyển nhượng 16 triệu cổ phiếu cho CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh. Bà Trần Đặng Thu Thảo chuyển nhượng hơn 12,7 triệu cổ phiếu cho CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn. Đây đều là những doanh nghiệp vừa mới được thành lập cách đây không lâu.
Trong đó, Công ty CP Đầu tư Thương mại Bách Thanh được thành lập vào ngày 13/11/2018; Công ty CP Đầu tư Thương mại Vân Môn thành lập ngày 30/11/2018 và Công ty CP Đầu tư Thương mại Giang Sen thành lập ngày 9/11/2018.
Như vậy, trong gia đình Chủ tịch ACB, hiện chỉ còn ông Trần Hùng Huy và mẹ của ông là bà Đặng Thu Thủy còn nắm giữ cổ phiếu ACB. Trong đó, ông Hùng Huy sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu ACB, bà Thủy sở hữu gần 14 triệu cổ phiếu. Số cổ phần này chưa bằng một nửa số cổ phần mà nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên sở hữu (gần 122 triệu cổ phiếu).
Tuy nhiên trước đó, ông Trần Hùng Huy phát biểu trên báo chí cho biết, gia đình ông không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào mà đây chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức trong nội bộ gia đình.
Mới đây, dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2018 của ACB cho thấy, ngân hàng này đã thu về được hơn 1.600 tỷ đồng từ thu hồi khoản nợ của nhóm 6 công ty có liên quan đến bầu Kiên (G6) trong năm vừa qua.
Mai Chi