Fica
  1. Chứng Khoán

Cạn kiệt dòng tiền, Vietnam Airlines đối mặt khoản lỗ trên 19.000 tỷ đồng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.

Cổ phiếu Vietnam Airlines tăng trần

Cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4 với trạng thái tăng kịch trần lên 20.650 đồng. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này. Dù vậy, tính trong 1 tháng qua, HVN vẫn đánh mất gần 20% giá trị.

Cổ phiếu HVN tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường hồi phục thuận lợi, đặc biệt là khi có thông tin Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình khó khăn tại doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.

Cạn kiệt dòng tiền, Vietnam Airlines đối mặt khoản lỗ trên 19.000 tỷ đồng - 1

Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề vì tình hình dịch Covid-19 (ảnh minh hoạ)

Uỷ ban cho biết, trong số 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Uỷ ban này thì Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất do tác động của Covid-19 và giá dầu giảm.

Báo cáo của Uỷ ban cho hay, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Hãng bay này hiện đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Đáng chú ý, vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt.

“Vietnam Airlines đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến 20/3/2020 đã lên tới 3.568 tỷ đồng trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt luỹ kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020”, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay.

Theo Uỷ ban, với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con. Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.

Chứng khoán tăng mạnh nhất 19 năm

Tiếp tục một phiên bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam ngay đầu tuần (6/4). VN-Index tăng tới 34,95 điểm tương ứng 4,98% lên 736,75 điểm. Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho biết, mức tăng 4,98% của VN-Index lần này đã lập kỷ lục mới, tăng cao nhất trong vòng gần 19 năm kể từ ngày 8/10/2001.

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng mạnh 5,41 điểm tương ứng 5,53% lên 103,26 điểm và UPCoM-Index tăng 1,2 điểm tương ứng 2,43% lên 50,33 điểm.

Thanh khoản đạt 334,9 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.649,48 tỷ đồng và 61,22 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 574,67 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 16,27 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 176,41 tỷ đồng.

Sắc xanh tăng giá và sắc tím tăng trần đang giữ vai trò chủ đạo trong bức tranh chung. Toàn thị trường (cả 3 sàn) trong phiên ghi nhận có tới 585 mã tăng giá, 164 mã tăng trần, áp đảo hoàn toàn so với số lượng 160 mã giảm và 43 mã giảm sàn.

Cạn kiệt dòng tiền, Vietnam Airlines đối mặt khoản lỗ trên 19.000 tỷ đồng - 2

Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn tăng trần, không còn dư bán

Quả là một phiên giao dịch hiếm có khi thị trường chứng kiến hàng loạt mã vốn hoá lớn ồ ạt tăng trần. Có tới 18 mã cổ phiếu trong rổ VN30 “tím lịm”, hầu hết không có dư bán và vẫn còn dư mua giá trần khối lượng lớn.

Cụ thể, VIC tăng trần 6.300 đồng lên 97.300 đồng/cổ phiếu; VHM tăng trần 4.000 đồng lên 61.700 đồng/cổ phiếu; VRE tăng trần 1.350 đồng lên 20.850 đồng. Theo đó, VIC đóng góp cho VN-Index tới 6,07 điểm và VHM đóng góp 3,82 điểm.

Bên cạnh đó, MWG cũng tăng trần 4.500 đồng lên 69.900 đồng; MSN tăng trần 3.600 đồng lên 55.900 đồng; PNJ tăng trần 3.600 đồng lên 55.500 đồng; BVH tăng trần 2.950 đồng lên 45.450 đồng.

Nhiều ông lớn ngân hàng tăng giá mạnh. BID tăng trần 2.400 đồng lên 36.700 đồng; CTG tăng trần 1.300 đồng lên 20.100 đồng; VPB tăng trần 1.200 đồng lên 18.750 đồng; TCB tăng trần 1.100 đồng lên 16.950 đồng; MBB tăng trần 1.000 đồng lên 15.750 đồng; STB tăng trần 580 đồng lên 8.930 đồng. VCB tăng giá 2.500 đồng lên 68.000 đồng.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với 330 mã tăng giá trên sàn HSX, trong đó có 95 cổ phiếu tăng trần cho thấy đây là một hiện tượng đặc biệt và sự nhiệt tình tham gia thị trường của giới đầu tư sau cơn hoảng loạn vừa qua.

Sàn HNX có 48 cổ phiếu tăng trần trong nhóm 127 cổ phiếu sắc xanh và sàn UPCoM cũng không thua kém khi góp mặt bởi 128 cổ phiếu trên tham chiếu (21 cổ phiếu tăng trần). Dòng tiền tham gia thị trường của các nhà đầu tư trong phiên đầu tuần thực sự ấn tượng.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, sau một đợt tăng mạnh từ vùng đáy 650 của chỉ số VN-Index, các cổ phiếu đã tăng trưởng rất mạnh trong một thời gian ngắn, do đó sẽ xảy ra một đợt chốt lời trong thời gian tới.

Do đó VDSC đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư cần bình tĩnh để không bị cuốn hút theo thị trường và sẽ chờ những nhịp điều chỉnh thích hợp giản ngân, đem đến hiệu quả tốt hơn.

Mai Chi