Fica
  1. Chứng Khoán

Bị “thổi bay” 30.000 tỷ đồng, cơn ác mộng ngành hàng không chưa dứt

Với tác động tiêu cực của Covid-19, ước tính thiệt hại về doanh thu của các hãng hàng không lên tới 30.000 tỷ đồng, con số này có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Bị “thổi bay” 30.000 tỷ đồng, cơn ác mộng ngành hàng không chưa dứt - 1

Sự phục hồi của ngành hàng không dự kiến sẽ chậm thay vì hồi phục theo đáy chữ V (ảnh minh hoạ)

Hơn 90% đội tàu bay của Việt Nam đang phải nằm sân đỗ dài hạn

Các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, các tác động tiêu cực của COVID-19 tới ngành du lịch và hàng không của Việt Nam đang dần hiện rõ sau khi các số liệu được công bố.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượt khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đã sụt giảm lần lượt 12% và 70% so với cùng kỳ từ tháng 2-3/2020. Trong đó, lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không giảm lần lượt 21% và 66% so cùng kỳ từ tháng 2-3/2020.

Còn theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam, tổng lượt khách quốc tế qua các cảng hàng không của Việt Nam đã giảm 30% so cùng kỳ trong tháng 2/2020 và 70% so cùng kỳ trong tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng gây ra tâm lý lo ngại khi di chuyển bằng đường hàng không của người dân trong nước và bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt tới tổng lượt hành khách hàng không nội địa trong tháng 3/2020 với mức giảm 25% so cùng kỳ, sau khi đi ngang so với cùng kỳ trong tháng 2/2020.

Trong bối cảnh nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không xuống thấp cùng với các quy định cấm bay, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt giảm 25,6% tổng số chuyến bay so với cùng kỳ trong giai đoạn 19/2-18/3/2020.

Cùng với đó, khoảng 90% đội tàu bay của Việt Nam đang phải nằm sân đỗ dài hạn, theo số liệu của flightradar24 tại ngày 31/3/2020, tương đương gần 200 máy bay nằm đỗ lâu hơn một ngày tập trung tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.

Bị “thổi bay” 30.000 tỷ đồng, cơn ác mộng ngành hàng không chưa dứt - 2

Thị trường sẽ phục hồi chậm

Có thể nhận thấy các ảnh hưởng tiêu cực tăng dần theo sự siết chặt của các biện pháp hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh lây lan ra toàn cầu.

Theo đó, đối với thị trường quốc tế, các biện pháp này bao gồm: ngừng khai thác các chuyến bay từ/tới các quốc gia như Trung Quốc (bắt đầu từ tháng 2); Hàn Quốc (bắt đầu từ tháng 3); dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài (gồm cả người Việt Nam có hộ chiếu nước ngoài) đến từ Anh và 26 quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen hoặc đã đi qua các nước này trong vòng 14 ngày (bắt đầu từ giữa tháng 3); sau đó là dừng nhập cảnh với tất cả các công dân nước ngoài (từ 22/3/2020).

Với thị trường nội địa, từ ngày 30/3 đến ngày 15/4, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã được chỉ đạo chỉ được khai thác một chuyến/ngày trên năm đường bay trục Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Phú Quốc; các đường bay nội địa khác tạm dừng khai thác.

VDSC đánh giá, các chính sách trên cũng khiến cho các hãng hàng không khó có thể nâng hệ số tải của mình bằng các giải pháp kích cầu thông qua giảm giá vé trong thời gian gần đây.

Nhìn chung, không chỉ lượng khách quốc tế bị ảnh hưởng, sản lượng hành khách hàng không của thị trường nội địa chắc chắn sẽ sụt giảm nặng nề hơn kể từ tháng 4 trở đi.

Ước tính thiệt hại tới doanh thu của các hãng hàng không đã điều chỉnh tăng từ mức 10.000 tỷ đồng (sau khi dừng các đường bay tới Trung Quốc) lên 25.000 tỷ đồng trước đó (cuối tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát mạnh ngoài Trung Quốc) và gần nhất là khoảng hơn 30.000 tỷ đồng (giữa tháng 3).

“Ước tính này được đưa ra trước khi lệnh dừng nhập cảnh với người nước ngoài được ra. Điều này có có nghĩa là thiệt hại sẽ còn lớn hơn so với mức trên khi càng có thêm nhiều chuyến bay quốc tế lẫn nội địa bị cắt giảm trong thời gian tới” - VDSC lưu ý.

Trong khi đó, ACV dự kiến lợi nhuận năm 2020 sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm 2019, so với mức suy giảm ước tính trước đó là 6.000 tỷ đồng, sau khi dự báo tổng lượt hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng 40% so với năm 2019, đạt khoảng 70 triệu lượt. Dự báo này được đưa ra trước khi quy định hạn chế tối đa bay nội địa được thi hành.

Bị “thổi bay” 30.000 tỷ đồng, cơn ác mộng ngành hàng không chưa dứt - 3

Chuyên gia phân tích của VDSC cho biết, thị trường hàng không thường mất khoảng 6-7 tháng để phục hồi về mức trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, IATA dự báo ngành hàng không sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để có thể phục hồi từ các tác động của COVID-19 do có sự khác nhau trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở các nơi khác nhau trên thế giới và, quan trọng hơn là, suy thoái toàn cầu sẽ tác động tới nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngay cả khi các lệnh hạn chế di chuyển được dỡ bỏ.

Điều này rất có thể sẽ đúng với Việt Nam khi mà nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19 cũng là thị trường khách du lịch chính của Việt Nam.

Do đó, VDSC kỳ vọng, thị trường hàng không sẽ bắt đầu hồi phục chậm, thay vì hồi phục theo đáy chữ V, sau khi dịch bệnh có dấu hiệu đạt đỉnh, nhiều khả năng trong vòng 1-2 tháng tới.

Mai Chi