Fica
  1. Chứng Khoán

Bị "bịt mắt" đặt lệnh, nhà đầu tư tính thiệt hại bằng… Mercedes

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Giao dịch trong sự tù mù của dữ liệu, có người ví von việc tháo chạy của nhà đầu tư sáng nay là "dẫm đạp lên nhau trong bóng đêm". Đến phiên chiều, thiệt hại của thị trường đã được thu hẹp.

Quan sát đồ thị VN-Index có thể thấy trong phiên giao dịch buổi sáng và đầu phiên chiều, chỉ số bị gấp khúc một cách khó hiểu.

Thực tế, vào phiên sáng, trong khi VN30-Index đã cho thấy trạng thái giảm điểm khá mạnh thì VN-Index đang "bật xanh". Chỉ số này hiển thị hoàn toàn sai lệch so với thực tế, khiến nhà đầu tư khó hình dung được mức thiệt hại của thị trường chung.

Bảng giá điện tử của các công ty chứng khoán cũng bị "tê liệt". Nhà đầu tư chỉ thấy thị giá cổ phiếu "nhảy lên, nhảy xuống", bảng điện nhấp nháy một cách yếu ớt, số lượng và giá kê mua, kê bán không theo trật tự nào.

Bị bịt mắt đặt lệnh, nhà đầu tư tính thiệt hại bằng… Mercedes - 1

Cú gãy gập kinh điển của VN-Index sáng nay một phần do tình trạng đơ nghẽn trầm trọng trên HSX, chỉ số không hiển thị đúng trên bảng điện (Ảnh chụp màn hình).

Với tâm lý lo sợ thị trường sẽ rơi tự do, nhiều nhà đầu tư buộc phải "nhắm mắt" đặt lệnh bán MP (lệnh thị trường, ưu tiên khớp ngay lập tức). Trong khi đó, những người đặt lệnh LO với bất cứ giá nào với cổ phiếu trên HSX cũng "5 ăn, 5 thua".

Trong lúc nhiều mã cổ phiếu nằm sàn, trên các diễn đàn chứng khoán, một số nhà đầu tư đã "tự trào" bằng cách tính toán số tiền lỗ.

Có người còn nhẩm tính, với 10 tỷ đồng nếu dùng hết dư địa vay ký quỹ (full margin) trong ngày 4/6 để tất tay cổ phiếu LPB với giá 34.000 đồng thì tài khoản nhà đầu tư đã "bốc hơi" 1,68 tỷ đồng, tương đương một chiếc Mercedes C 200 Exclusive. Với số tiền này, nếu mua 300.000 cổ phiếu VND với giá 63.500 đồng thì đến sáng nay đã "mất" 2,25 tỷ đồng, tương đương 1 chiếc xe Mercedes-AMG A35 4Matic.

Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là giả thiết bởi sẽ hiếm nhà đầu tư nào full margin để tất tay một cổ phiếu ngân hàng/chứng khoán cuối tuần trước khi nhóm tài chính đã có dấu hiệu điều chỉnh từ vài phiên trước đó. Hơn nữa, nếu mua cổ phiếu ngân hàng vào thứ 6 tuần trước thì phải chờ đến thứ 4 tới cổ phiếu mới về tới tài khoản và chỉ khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu thì mới biết mức thua lỗ thực tế ra sao.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ vay cao để "đu đỉnh", mua mới cổ phiếu "nóng" ở vùng giá cao là rất nguy hiểm. Khi cổ phiếu giảm, nguy cơ "cháy tài khoản" là hiện hữu.

Giao dịch trong sự tù mù của dữ liệu, có người ví von việc tháo chạy của nhà đầu tư sáng nay là "dẫm đạp lên nhau trong bóng đêm". Song cũng phải nhấn mạnh rằng, phiên điều chỉnh giảm sâu ở phiên sáng và vài phút đầu chiều chủ yếu vẫn do lực bán chốt lời tại nhóm cổ phiếu tài chính (chứng khoán, ngân hàng) chứ không phải là cuộc tháo chạy trên quy mô rộng.

Do những phiên trước, nhóm cổ phiếu tài chính là "trụ cột" kéo thị trường đi lên, theo đó khi những mã này bị bán tháo, hiển nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung.

Đầu phiên chiều, VN-Index hồi phục và thu hẹp biên độ giảm. Mức thất thoát cuối phiên đối với chỉ số này là 15,27 điểm tương ứng 1,11% còn 1.358,78 điểm. VN30-Index giảm 24,25 điểm tương ứng 1,61% còn 1.481,1 điểm.

Bị bịt mắt đặt lệnh, nhà đầu tư tính thiệt hại bằng… Mercedes - 2

Trong rổ VN30 vẫn có những mã tăng giá (Ảnh chụp màn hình).

HNX-Index giảm 11,13 điểm tương ứng 3,38% còn 318,63 điểm; UPCoM-Index giảm 1,53 điểm tương ứng 1,69% còn 89,06 điểm.

Đáng chú ý là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán nhiều mã thoát sàn và đã có dấu hiệu hồi phục đáng kể ở phiên buổi chiều. Nếu như trong phiên, một số mã đã có lúc bị giao dịch ở mức sàn như VBB, LPB, MSB, VIB thì cuối phiên, những mã này đều đã giảm đáng kể biên độ giảm giá.

Đóng cửa, LPB giảm 6%; VBB giảm 7,7%; VIB giảm 2,4%. Nhiều cổ phiếu trong phiên giảm sâu nhưng đã phục hồi khá tốt như OCB, NVB, EIB, HDB, VIB, KLB, BVB, CTG, TCB, MBB… Riêng VPB tăng nhẹ 0,4% lên 72.000 đồng và mức giảm mạnh nhất của mã này cũng chỉ chỉnh về 69.500 đồng.

Nhóm ngành chứng khoán cũng có nhiều mã đã "thoát sàn" như HCM, VCI, AGR, IVS, MBS, SHS, BSI, ORS, tuy nhiên mức giảm vẫn lớn. Nhiều mã vẫn "nằm sàn" là SBS, ART, BVS, CTS.

Dù vậy, như đã nói ở trên, không phải mọi nhóm ngành đều giảm. Cổ phiếu dầu khí có những mã tăng tốt. Do giá dầu tăng mạnh, nhiều mã dầu khí cũng "thăng hoa": PVC tăng trần, PVP tăng 8,6%; PXS tăng 6,3%; PSR tăng 5,7%; PVD tăng 4,7%; PVT tăng 4,5%; POS tăng 2,4%; PPS tăng 1%; PVS tăng 1%...

Bị bịt mắt đặt lệnh, nhà đầu tư tính thiệt hại bằng… Mercedes - 3

Cổ phiếu dầu khí hút mạnh dòng tiền, nhiều mã được giao dịch ở mức giá trần (Ảnh chụp màn hình).

Dòng cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa nhất định. Trong khi NVL, KDH, DXG, DIG, NLG, FLC điều chỉnh giảm thì một số mã vẫn hút dòng tiền. VIC hôm nay tăng 1,7% lên 123.000 đồng; VHM tăng 1,4% lên 106.000 đồng; VRE tăng 3,6% lên 33.350 đồng; PDR tăng 1,8% lên 83.300 đồng…

AGG của bất động sản An Gia tăng phiên thứ 3 liên tiếp. Trong phiên thị trường "chạy loạn", mã này vẫn tăng 1,4% lên 49.800 đồng.

Nhóm thủy sản cũng diễn biến tích cực với ANV, VHC, FMC, ACL, CMX, AAM, SNC đều tăng giá.

Thị trường giảm, giao dịch bị tắc nghẽn nặng nề nhưng vẫn có 28.922,37 tỷ đồng được giải ngân vào cổ phiếu trên sàn HSX, khối lượng giao dịch đạt 876,69 triệu đơn vị. HNX có 224,09 triệu cổ phiếu tương ứng 5.459,45 tỷ đồng và UPCoM có 108,63 triệu cổ phiếu tương ứng 1.973,47 tỷ đồng.

Mai Chi