Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa phát đi thông báo về danh sách 163 công ty nằm trong diện cảnh báo nhà đầu tư trên hệ thống giao dịch UPCoM kể từ ngày 11/9.
Trong số này có 16 công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng, 136 công ty bị hạn chế giao dịch và 11 công ty bị đình chỉ giao dịch.
So với danh sách công bố ngày 26/8, danh sách công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng xuất hiện thêm Công ty cổ phần Khu Công Nghiệp Hiệp Phước (mã chứng khoán HPI) do vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính bán niên 2020 âm 1,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà (mã chứng khoán MEC) là cái tên mới được thêm vào danh sách này do vốn chủ sở hữu trong BCTC đã kiểm toán hoặc soát xét là số âm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng (mã chứng khoán DSC) đã thoát khỏi danh sách bị hạn chế giao dịch do công ty đã công bố thông tin về họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Trong nhóm bị đình chỉ giao dịch, chiếm phần lớn là các công ty trong lĩnh vực khoáng sản: Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (mã chứng khoán KSA), Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á (mã BAM); Khoáng sản Na Rì Hamico (mã chứng khoán KSS); Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (mã chứng khoán MTM); Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (mã chứng khoán KTB); Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (mã chứng khoán BGM).
Nhiều mã chứng khoán bị đưa vào danh sách cảnh báo nhà đầu tư từ 4 năm trước song vẫn chưa ra khỏi danh sách này. Ngoài các công ty khoáng sản đã nêu ở trên như BGM, KTB, MTM, KSS, BAM thì nhiều công ty trong lĩnh vực vận tải biển cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Công ty cổ phần Vận tải Biển và Bất động sản Việt Hải (mã VSP) bị đưa vào danh sách cảnh báo từ 6/4/2016; Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) từ 26/5/2016; Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế (ISG) từ 26/5/2016…
Dưới đây là danh sách cụ thể:
|
Mai Chi