Fica
  1. Chứng Khoán

Bất ngờ với độ “gây sốt” của đại gia Trịnh Văn Quyết trên sàn

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tiền đổ dồn dập vào cổ phiếu “họ FLC” khiến các mã này ồ ạt tăng trần. FLC, ROS, AMD, KLF, HAI, ART đều kịch trần trong khi GAB cũng tăng mạnh sau thương vụ hơn 100 tỷ đồng của ông Trịnh Văn Quyết.

Mặc dù vẫn ghi nhận giảm điểm trong phiên 4/3, tuy nhiên, VN-Index đã thu hẹp đáng kể mức thiệt hại và chỉ còn sụt giảm 1,24 điểm, tương ứng 0,14% xuống mức 889,37 điểm vào thời điểm chốt phiên.

Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,45 điểm tương ứng 1,29% lên 114,02 điểm và cũng là mức cao nhất phiên. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,14% lên 55,54 điểm.

Thanh khoản duy trì cao với khối lượng giao dịch trên HSX là 238,45 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 3.878,97 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch được đẩy lên tới 87,83 triệu cổ phiếu tương ứng 992,41 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 16,16 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 213,75 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá, tuy nhiên, chênh lệch không lớn. Có 362 mã tăng, 74 mã tăng trần so với 303 mã giảm và 30 mã giảm sàn.

Nguyên nhân khiến VN-Index vẫn hoạt động dưới đường tham chiếu đó là do tình trạng giảm tại một số mã vốn hoá lớn đã dìm chỉ số. Cụ thể, GAS, BID, VCB, VNM, SAB đều mất giá, trong đó riêng GAS đã gây thiệt hại cho VN-Index hơn 1 điểm.

Bất ngờ với độ “gây sốt” của đại gia Trịnh Văn Quyết trên sàn - 1

Ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ khiến giới đầu tư "phát cuồng" trong phiên 4/3

Đáng chú ý là trong phiên này đã chứng kiến sự “bùng nổ” của cổ phiếu họ FLC. Cụ thể, FLC tăng trần 270 đồng/cổ phiếu lên mức giá 4.140 đồng, khớp lệnh tới 19,54 triệu đơn vị trong khi không hề có dư bán, dư mua giá trần hơn 2,36 triệu đơn vị.

ROS tăng trần 520 đồng lên 7.960 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 4,9 triệu đơn vị nhưng vẫn không hề còn dư bán cuối phiên, dư mua giá trần gần 7 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, AMD, KLF, HAI, ART cũng đều tăng trần và đóng cửa không còn dư một lệnh bán nào, một số mã còn dư mua trần.

Cổ phiếu còn lại trong “họ cổ phiếu” gắn với tên tuổi đại gia Trịnh Văn Quyết là GAB cũng tiệm cận mức trần với tăng giá 6,6% lên 116.500 đồng và ghi nhận tăng giá gần 7 lần so với đầu năm nhờ chuỗi tăng trần 17 phiên liên tiếp hồi đầu tháng trước.

Thông tin đáng chú ý trong ngày đó là ông Trịnh Văn Quyết đã công bố mua thành công 1,1 triệu cổ phiếu GAB, tương đương 7,97% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC, qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 4/3/2020. Giá trị khối cổ phiếu mà ông Quyết mua vào tại GAB lên tới trên 128 tỷ đồng theo thị giá GAB.

Được biết, tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là Tập đoàn FLC hiện cũng đang sở hữu 2,34 triệu cổ phiếu GAB (chiếm tỷ lệ 8,99%).

Cặp cổ phiếu HVN và VJC của hai “ông lớn” ngành hàng không có một phiên giao dịch thuận lợi. Trong khi VJC tăng giá 500 đồng lên 121.300 đồng thì HVN tăng kịch trần lên 24.250 đồng, khớp lệnh đạt hơn 1,6 triệu cổ phiếu và không hề có dư bán, dư mua giá trần gần 100 nghìn cổ phiếu.

YEG và QCG vẫn bền bỉ tăng trần. Lực cầu tại hai mã này vẫn rất mạnh, cuối phiên không hề còn dư bán, dư mua giá trần tại YEG gần 93 nghìn đơn vị và tại QCG hơn 1,34 triệu đơn vị.

Trên HNX, SHB tăng giá 700 đồng. Song điều đáng chú ý tại mã này đó chính là khối lượng giao dịch cực khủng, tổng khớp lệnh trong phiên lên tới hơn 50 triệu đơn vị, chiếm hơn một nửa thanh khoản của cả sàn.

Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, VN-Index dự báo sẽ hồi phục tăng điểm trở lại trong những phiên còn lại của tuần. Thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 905-910 điểm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đà hồi phục của thị trường sẽ đan xen các nhịp rung lắc, điều chỉnh và kèm theo sự luân phiên dịch chuyển của dòng tiền qua các nhóm cổ phiếu.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và rủi ro về sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước.

Những yếu tố này nếu còn tiếp diễn sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với xu thế hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.

Do vậy, chuyên gia BVSC khuyến nghị, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên được duy trì ở mức 20-30% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 905-910.

Nhà đầu tư sau khi đã thực hiện giải ngân tại vùng hỗ trợ 860-880 điểm, có thể tiếp tục xem xét thực hiện mua nâng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh quanh vùng 880-885.

Mai Chi