Thông tin thoái vốn của Quốc Cường Gia Lai đang gây chú ý
Ngưỡng 1.000 điểm tiếp tục là ngưỡng cản mạnh đối với VN-Index. Trong ngày hôm qua, có lúc tăng đến 998 điểm, tuy nhiên, áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch chiều đã khiến biên độ tăng của chỉ số thu hẹp và kết phiên tại 994,46 điểm, ghi nhận tăng nhẹ 1,41 điểm tương ứng 0,14%.
Trong khi đó trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giằng co quanh ngưỡng tham chiếu và đóng cửa tại 105,93 điểm, giảm nhẹ 0,08 điểm tương ứng 0,07%. UPCoM-Index cũng giảm 0,29 điểm tương ứng 0,51% còn 56,47 điểm.
Thanh khoản đạt 188,13 điểm trên sàn HSX tương ứng 3.627,44 tỷ đồng và trên HNX là 26,6 triệu cổ phiếu tương ứng 242,4 tỷ đồng. Tại sàn UPCoM, khối lượng giao dịch hơn 8 triệu cổ phiếu tương ứng 137,53 tỷ đồng.
Mặc dù chỉ số chính Vn-Index tăng nhưng độ rộng thị trường lại nghiêng về phía các mã giảm. Có 319 mã giảm giá, 30 mã giảm sàn so với 282 mã tăng và 37 mã tăng trần.
Trạng thái tăng của VN-Index có được, một phần lớn là nhờ vào hỗ trợ của hai “ông lớn” VNM và VCB. Riêng VNM đóng góp 1,08 điểm cho chỉ số và VCB đóng góp 0,98 điểm. Nói cách khác, hai mã này đã “cân” cả sàn HSX trong ngày hôm qua.
Ngoài ra, một số mã khác như POW, CTG, TCB, PNJ, BHN, FLC cũng có tác động tích cực đến VN-Index. FLC tiếp tục tăng trần lên 4.050 điểm với thanh khoản cực “khủng” gần 31 triệu đơn vị chuyển nhượng.
Chiều ngược lại, VIC, BID, PLX, SAB đồng loạt giảm giá và phần nào đã kìm hãm VN-Index. Khối lượng giao dịch tại những mã này khá hạn chế, chỉ đạt vài trăm nghìn đơn vị.
Chi tiết góp vốn của Quốc Cường Gia Lai tại Chánh Nghĩa Quốc Cường
Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trong ngày hôm qua cũng giao dịch giằng co và cuối cùng dừng tại tại mức tham chiếu 4.700 đồng. Thanh khoản mã này xuống thấp, chỉ còn bằng 1/3 của phiên trước và bằng phân nửa so với mức trung bình ngày trong 1 tháng qua, đạt hơn 110 nghìn cổ phiếu.
Tập đoàn này mới đây đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị chuyển nhượng toàn bộ 18,6% vốn Công ty Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá 132 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là người được giao tìm kiếm đối tác và đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng.
Theo báo cáo bán niên của Quốc Cường Gia Lai, trong nửa đầu năm nay, tập đoàn này đã đầu tư thêm 82,5 tỷ đồng vào Chánh Nghĩa Quốc Cường nâng tổng vốn đầu tư lên 132 tỷ đồng, tương đương 18,6% vốn điều lệ Chánh Nghĩa Quốc Cường. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai cũng mượn 72,5 tỷ đồng tại công ty này.
Theo thông tin doanh nghiệp trên Công thông tin quốc gia, Chánh Nghĩa Quốc Cường thành lập ngày 25/9/2018 và Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla - con trai bà Như Loan).
Hồi tháng 3/2019, Chánh Nghĩa Quốc Cường thông báo đã nâng vốn điều lệ từ 428 tỷ đồng lên 708 tỷ đồng.
Chánh Nghĩa Quốc Cường là chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp C-Sky View tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Dự án trên lô đất gần 8.600m2, gồm 2 block 36 tầng (quy mô 1.166 căn).
Nhận định về triển vọng của thị trường chứng khoán, BVSC cho rằng, thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần.
VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn dao động trong vùng 990-998 điểm. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 3 của từng doanh nghiệp cụ thể.
Ngoài ra, BVSC cũng lưu ý đến khả năng các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể sẽ chịu biến động mạnh trong phiên kế tiếp do hôm nay (17/10) là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10.
Về diến biến các nhóm ngành, các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận quý 3 tích cực theo dự báo của BVSC vẫn là ngân hàng, bất động sản, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Bên cạnh đó, một số các cổ phiếu trong rổ VN30 như VNM, MSN, VJC, PNJ… cũng đang có diễn biến tương đối tích cực về mặt xu hướng ngắn hạn.
Mai Chi