VCI tăng trần
Cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa khép lại phiên giao dịch 11/5 với trạng thái tăng trần 1.350 đồng lên 21.000 đồng/cổ phiếu. Tại mã này không hề còn có dư bán trong khi vẫn còn gần 610 nghìn cổ phiếu dư mua giá trần. Đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tục của mã này.
Bà Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch VCSC
Thanh khoản tại VCI hôm qua cũng tăng vọt lên 4,7 triệu đơn vị, gấp 4 lần phiên 8/5 và cao hơn rất nhiều mức bình quân hơn 500 nghìn cổ phiếu/phiên trong vòng 1 tháng qua.
Cuối tuần trước, VCSC vừa công bố đã nhận được khoản vay tín chấp trị giá 40 triệu USD (tương đương 920 tỷ đồng) từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng Sinopac.
Khoản vay có hạn mức rút vốn không quá 12 tháng. Số tiền huy động được dùng để mở rộng các hoạt động kinh doanh, giúp công ty đa dạng hơn về nguồn vốn huy động nhằm cung cấp giải pháp tài chính đa dạng và hấp dẫn hơn cho các khách hàng.
Tính đến hết quý 1/2020, doanh nghiệp do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT có vốn chủ sở hữu đạt 3.612 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 7.160 tỷ đồng.
Doanh thu trong kỳ đạt 382 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí tăng mạnh 138%, lãi trước thuế còn gần 90 tỷ đồng và giảm tới 64% so với quý 1/2019; lãi sau thuế 119 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của VCSC và các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể do Covid-19. Tại ngày kết thúc quý 1 là 31/3/2020, VN-Index xuống mức thấp 662,53 điểm, so với mức 960,99 điểm tại ngày 31/12/2019, trước khi phục hồi dần trong tháng 4.
Trong văn bản giải trình, VCSC cho biết, quý 1/2020, chỉ số VN-Index giảm 31% so với mức tăng 10% của cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến việc đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của hoạt động tự doanh chứng khoán, và là nguyên nhân chính làm cho chi phí tăng 138% tương ứng tăng 169 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường tiếp tục bùng nổ, cổ phiếu hàng không giảm giá
Phiên chiều 11/5, các chỉ số chính tiếp tục bứt tốc và khiến cho bức tranh thị trường trở nên lạc quan hơn hẳn.
VN-Index tăng 14,6 điểm tương ứng 1,79% lên 828,33 điểm; HNX-Index tăng 1,55 điểm tương ứng 1,41% lên 111,57 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,59 điểm tương ứng 1,11% lên 53,49 điểm.
Thanh khoản ở mức cao. Khối lượng giao dịch trên HSX được đẩy lên 353,41 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch rất “khủng”, lên tới 6.247,5 tỷ đồng.
Sàn HNX cũng có 51,1 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 459,44 tỷ đồng và trên UPCoM là 22,76 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 260,61 tỷ đồng. Tính ra, trong phiên hôm qua, có xấp xỉ 7.000 tỷ đồng đã được nhà đầu tư đổ vào thị trường để mua cổ phiếu.
Sắc xanh hoàn toàn chiếm vai trò chủ đạo trong bức tranh chung của thị trường. Theo thống kê có đến 442 mã tăng, 68 mã tăng trần so với 240 mã giảm và 42 mã giảm sàn.
VNM tăng 3.500 đồng lên 108.500 đồng, GAS tăng 3.400 đồng lên 73.000 đồng, VHM tăng 2.600 đồng lên 73.500 đồng, MSN tăng 2.100 đồng lên 63.100 đồng.
Theo đó, VHM là mã có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 2,48 điểm trong mức tăng chung. GAS góp vào 1,85 điểm và VNM đóng góp 1,74 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực với TCB tăng trần 1.300 đồng lên 20.200 đồng, VPB tăng 1.300 đồng lên 24.100 đồng, VCB tăng 1.000 đồng lên 74.500 đồng, BID, CTG đều tăng.
Cặp cổ phiếu HNG và HAG của Hoàng Anh Gia Lai duy trì trạng thái tăng trần. HNG đạt 13.800 đồng/cổ phiếu vào thời điểm chốt phiên còn HAG có thị giá 3.760 đồng.
Chiều ngược lại, cổ phiếu hàng không như VJC và HVN giảm giá, PAN, VCF, TH1, VGC cũng giảm, tuy nhiên ảnh hưởng của những mã này lên diễn biến chỉ số chính là không đáng kể.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), VN-Index vẫn tiếp tục trong xu hướng tăng ngắn hạn và vẫn chưa cho dấu hiệu điều chỉnh ngắn hạn.
MASVN tiếp tục bảo lưu quan điểm duy trì tỷ trọng cổ phiếu trung bình. Hiện tại, nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm cổ phiếu trong Diamond Index đang thu hút dòng tiền tốt hơn phần còn lại của thị trường.
Mai Chi