Fica
  1. Chứng Khoán

Áp dụng T+2 và giao dịch lô lẻ, thanh khoản tháng 9 vẫn giảm mạnh vì đâu?

Thảo Thu
Thảo Thu

Trái với kỳ vọng việc rút ngắn chu kỳ thanh toán và giao dịch cổ phiếu lô lẻ tạo cú hích cho thanh khoản, giá trị sang tay chứng khoán chỉ liên tục tìm đáy mới.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), thanh khoản bình quân trên sàn này chỉ đạt 13.396 tỷ đồng, tương ứng hơn 527 triệu cổ phiếu trong tháng 9 vừa rồi, giảm 14% về giá trị và 16% về khối lượng so với tháng trước. Đây là tháng có mức thanh khoản thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ sau tháng 7 vừa rồi.

Thanh khoản sàn HoSE có dấu hiệu giảm mạnh từ tháng 5, mức giảm 43% so với tháng liền trước, chỉ đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Tháng 7 vừa rồi, thanh khoản trung bình xuống thấp nhất 2 năm trở lại đây, chỉ đạt 11.500 tỷ đồng. Phải đến tháng 8, thanh khoản mới phục hồi về mức trên 15.000 tỷ đồng, song so với cùng kỳ năm 2021 là hơn 23.000 tỷ đồng thì vẫn là con số thấp.

Đầu tháng 9, sau nhiều tháng thanh khoản lao dốc cùng diễn biến giảm điểm của thị trường, giới đầu tư đón tín hiệu vui liên quan đến việc rút ngắn chu kỳ thanh toán và giao dịch cổ phiếu lô lẻ. Khi ấy, hàng loạt chuyên gia, đại diện công ty chứng khoán dự báo thanh khoản thị trường có thể tăng 20-25%.

Nhưng thực tế lại cho thấy đây chỉ là kỳ vọng "nhầm". Thị trường chứng khoán cả tháng 9 chỉ có một phiên giá trị giao dịch vượt 20.000 tỷ đồng là hôm 7/9. Khi ấy, thanh khoản tăng 45%. Nhưng điều này cũng trùng diễn biến VN-Index bốc hơi 34,23 điểm. Đó cũng là phiên nhà đầu tư tranh nhau cắt lỗ, cổ phiếu giảm sàn sau giai đoạn thị trường giằng co trong biên độ hẹp.

Những phiên tiếp theo, chứng khoán liên tục ghi nhận thanh khoản lập "kỷ lục buồn". Hôm 21/9, giá trị sang tay sàn HoSE chỉ đạt hơn 9.700 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 11/2020 - giai đoạn trước khi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh.

Thanh khoản chứng khoán giảm mạnh trong tháng 9 (Biểu đồ: Thảo Thu).

Vì sao thanh khoản xuống thấp?

Vậy tại sao tiền đổ vào chứng khoán ngày càng ít, trong khi đây từng là kênh tăng trưởng mạnh bất chấp diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19, với những ngày giao dịch khớp lệnh tỷ USD trong năm 2021?

Trưởng phòng đầu tư một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội nhận định mặt bằng giá cổ phiếu xuống thấp là lý do giá trị giao dịch giảm theo. "Quá nửa số mã trên sàn chứng khoán đều ghi nhận giảm từ đầu năm, không có nhiều mã tăng", vị này nói. Chỉ số đại diện sàn HoSE cũng thể hiện điều này, khi giảm hơn 20% từ mức 1.525 điểm hồi đầu năm và nằm trong top giảm mạnh nhất thế giới.

Bên cạnh đó, loạt cổ phiếu tăng "nóng" với lượng sang tay nghìn tỷ FLC, ROS... đều dính án phạt từ HoSE. Nhiều mã bị hạn chế, đình chỉ giao dịch, thậm chí hủy niêm yết.

Yếu tố tâm lý cũng tác động không nhỏ tới quyết định xuống tiền của nhà đầu tư, dẫn đến thanh khoản giảm mạnh. Thời gian gần đây, không có nhiều thông tin tác động tốt đến thị trường. Trái lại, diễn biến bất ổn của tình hình thế giới, lạm phát gia tăng hay những động thái của cơ quan chức năng siết thị trường khiến các nhà đầu tư phải "chọn mặt gửi vàng" cổ phiếu.

Trong khi đó, giao dịch lô lẻ từ hôm 12/9 cũng chẳng tác động đáng kể tới thanh khoản do nhà đầu tư mua bán lô lẻ được thực hiện trên một bảng giá riêng biệt với lô chẵn và lượng giao dịch nhỏ giọt chỉ phục vụ việc xử lý cổ phiếu thừa trong danh mục.

Tiền đổ vào chứng khoán ngày càng ít (Ảnh: Hải Long).

Minh Phương - nhà đầu tư cá nhân - từng háo hức do giao dịch lô lẻ có thể giúp cô xử lý cổ phiếu "tồn kho" lâu trong tài khoản hoặc mua thêm một lượng cổ phiếu lẻ để làm tròn thành lô chẵn. Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, Minh Phương nói phải đặt giá thấp hơn mới bán được cổ phiếu, trong khi một số mã có cầu lớn thì phải mua giá cao hơn thị trường. Ngoài ra, khi chờ lâu mới khớp lệnh, vô tình sinh ra tâm lý hụt hẫng.

Trong ngày đầu áp dụng giao dịch lô lẻ 12/7, dòng tiền thậm chí còn "mất hút", mức giao dịch chỉ đạt 10.700 tỷ đồng.

Tiền có rút khỏi chứng khoán?

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam - tổ chức chuyên về tài chính, cho rằng tiền không rút khỏi chứng khoán. "Thanh khoản thấp chỉ chứng tỏ nhà đầu tư ít thực hiện giao dịch", ông nói.

Ông lý giải hành động bán chứng khoán bản chất không phải rút tiền ra bên ngoài, bởi lệnh bán muốn thực hiện được luôn phải có lệnh đối ứng. Thống kê của doanh nghiệp nơi ông Phục đang làm việc cho thấy, 9 tháng đầu năm nay cho thấy tiền của nhà đầu tư vẫn để trong tài khoản chứng khoán. "Tiền không rút đi mà nhà đầu tư chỉ ít hành động trên thị trường", ông nói.

"Trước đây, thị trường chứng khoán sôi động nên nhà đầu tư liên tục mua - bán, sử dụng margin khiến thanh khoản cao. Khi không sử dụng margin, tự khắc thanh khoản sẽ thấp", ông nói thêm.

Các công ty chứng khoán hiện chưa lạc quan về tình hình thanh khoản từ nay cho tới cuối năm. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Công ty cổ phần Chứng khoán MB lại khuyến nghị nếu thanh khoản xuống dưới 10.000 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể giảm giao dịch, không mua đuổi trong phiên.

Thảo Thu