Sắc đỏ chiếm ưu thế trong bức tranh thị trường ngày 17/12
Hệ thống HSX lỗi vì giao dịch quá mạnh
Sau những lo lắng, em ngại của giới đầu tư thì VN-Index cũng đã có một phiên điều chỉnh sâu và đáng chú ý. Trong gần như suốt phiên 17/12, chỉ số rung lắc dữ dội rồi đóng cửa với mức giảm 15,22 điểm tương ứng 1,43% còn 1.051,77 điểm.
Với kết quả này, giá trị vốn hóa thị trường của sàn HSX phiên hôm qua đã bị "bốc hơi" 55.489 tỷ đồng xuống khoảng 3,85 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index vẫn giữ được mức tăng 0,39 điểm tương ứng 0,23% lên 172 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,06% lên 70,29 điểm.
Điều đáng nói là thanh khoản trong phiên này đã lập kỷ lục trong lịch sử giao dịch của chứng khoán Việt Nam.
Tại thời điểm đóng cửa, có tới 14.531,92 tỷ đồng đã được giải ngân tại sàn HSX, khối lượng giao dịch là 667,88 triệu đơn vị. HNX có 112,26 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.186 tỷ đồng và UPCoM có 43,62 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 596,59 tỷ đồng.
Tổng cộng, cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM trong ngày hôm qua đã đón nhận luồng tiền khổng lồ tới 16.314,51 tỷ đồng đổ vào mua chứng khoán. Đó là chưa kể đến sự cố diễn ra ở phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) trên HSX.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) xác nhận, trong phiên giao dịch khớp lệnh chiều ngày 17/12, đơn vị này nhận được phản ánh của một số công ty chứng khoán về lệnh giao dịch có hiện tượng chậm.
Sở HSX đã theo dõi và phát hiện một vài trường hợp kết quả khớp lệnh được trả về chậm, có thể do hoạt động giao dịch tăng mạnh trong phiên. Ngoài ra, hệ thống giao dịch chuyển sang phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa và kết thúc ngày giao dịch bình thường, không có sai sót.
Cổ phiếu công ty ông Đặng Thành Tâm "cháy hàng"
Trong bức tranh thị trường ngày hôm qua, sắc đỏ chiếm ưu thế. Một số chuyên gia phân tích đã ví thị trường như "chảo lửa" và nung chảy sự cứng rắn của những nhà đầu tư đang quyết liệt "ôm hàng", khiến họ phải cân nhắc đến vấn đề cơ cấu danh mục.
Cú sụt mạnh của VN-Index khiến vốn hóa HSX giảm hơn 2 tỷ USD
Có 486 mã giảm giá, 22 mã giảm sàn trong phiên trên toàn thị trường, nhưng ngược lại vẫn còn 351 mã tăng và 77 mã tăng trần.
VN30-Index giảm 12,77 điểm tương ứng 1,24% do có 22 mã trong rổ này giảm giá. VCB, VIC, VHM, BID, HPG bị điều chỉnh và là những mã gây thiệt hại lớn nhất cho VN-Index. Riêng thiệt hại do VCB và VIC lần lượt là 3,94 điểm và 2,12 điểm; BID giảm 2,1% còn 46.400 đồng.
Hôm qua, VCB giảm sâu, mất 3,9% còn 96.000 đồng;VIC giảm 2,1% còn 104.700 đồng; VHM giảm 1,7% còn 84.700 đồng; GAS giảm 2% còn 84.100 đồng; VNM giảm 1,1% còn 110.400 đồng; HPG giảm 3% còn 37.650 đồng
Mặc dù vậy, vẫn có những mã đi ngược thị trường và tăng rất bền bỉ là TCB, HDB, VPB, POW, TCH. Trong đó, TCB tăng 1,4% lên 28.350 đồng. Trong phiên có lúc mã này đã áp sát 30.000 đồng.
Một số mã ngân hàng khác cũng có diễn biến tích cực như VIB tăng 1,2% lên 32.800 đồng; VPB tăng 1% lên 29.600 đồng, TPB tăng 3,5% lên 23.500 đồng, HDB tăng 1,6% lên 22.750 đồng; BVB tăng 1,5% lên 13.300 đồng, ACB tăng 0,2% lên 28.300 đồng.
KBC của Khu đô thị Kinh Bắc là gây bất ngờ lớn nhất khi duy trì đà tăng trần từ đầu phiên sáng tới hết phiên chiều. Mã này tăng kịch trần lên 17.650 đồng, không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần; khớp lệnh đạt hơn 7,3 triệu cổ phiếu.
Nhiều mã nhỏ cũng được nhà đầu tư mua mạnh và trần "cứng" là DTL, LCM, EVG, ELC, TPC, PLP, TGG, SJF, TDG, HVX. Các mã này đều có thị giá rất thấp, như TGG chỉ có giá 1.100 đồng, LCM thậm chí chỉ có giá 770 đồng.
Điểm đáng chú ý là trên sàn HSX hôm qua, khối ngoại đã có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp vào giá trị gấp 3,4 lần phiên trước, ở mức 779 tỷ đồng (tương ứng 24,2 triệu cổ phiếu).
Theo chuyên gia tại VDSC, một phiên giao dịch với lượng tiền chảy vào thị trường đột biến nhưng vẫn không thể giúp các chỉ số hồi phục. Do đây là vùng "sideway" tích lũy của thị trường để đi tìm vùng cao mới nên dễ gây ra lo lắng khi thay phiên nhau tăng giảm không ngừng.
Và chiến lược phù hợp nhất với thời gian này là giữ vững tâm lý, đồng thời hạn chế việc mua bán liên tục dễ gây ra sai sót trong đầu tư.
Mai Chi