Cụ thể, hơn 251 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, có 42 doanh nghiệp bị xử phạt, 23 doanh nghiệp bị cảnh cáo, nhắc nhở.
Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 sẽ cổ phần hoá 128 doanh nghiệp, thoái vốn tại 348 doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua còn chậm, không đạt kế hoạch.
Hàng loạt doanh nghiệp cổ phần hóa không chịu lên sàn bị phạt |
“Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 5/2020 có 174 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá. Trong đó chỉ có 36/128 DN thuộc danh mục cổ phần hoá theo Công văn 991/TTg-ĐMDN, Quyết định 26, và thoái vốn tại 99/348 DN thuộc danh mục thoái vốn theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, đạt 28% kế hoạch”, thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan này đã xử lý vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của DNNN cổ phần hoá, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 251 DNNN cổ phần hoá để thông báo về hành vi vi phạm quy định niêm yết, đăng ký giao dịch. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã ra quyết định xử phạt đối với 42 doanh nghiệp và nhắc nhở 23 trường hợp.
Bộ Tài chính cho biết từ cuối tháng 4 vừa qua, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh và đồng pha với thế giới. Song khác với giai đoạn 2008, ngay cả những phiên giảm điểm mạnh nhất, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tốt với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên.
Điều đó có nghĩa là thị trường vẫn còn lực cầu tốt, sẵn sàng giải ngân bắt đáy khi có cơ hội. Và thời gian gần đây thị trường đang có diễn biến phục hồi.
Bộ Tài chính khẳng định việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật can thiệp lên thị trường chứng khoán không giúp ngăn chặn đà giảm giá mà còn có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với lòng tin của nhà đầu tư. Song, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để cân nhắc áp dụng khi thực sự cần thiết.
An Linh