Fica
  1. Chứng Khoán

2.186 tỷ đồng vốn Nhà nước được “khơi thông”, tin vui cho “đại gia BOT”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cho rằng hai yếu tố khó khăn và quan trọng nhất của dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giải quyết, lãnh đạo CII đánh giá, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2020.

Trong một văn bản vừa được Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) công bố với cổ đông và nhà đầu tư, doanh nghiệp này đã cập nhật về tình hình dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chi tiết, CII cho hay, vào ngày 26/9/2019, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ đã ký Thông báo số 8716/VPCP-KTTH gửi các cơ quan ban ngành truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

Đồng thời, cũng theo CII, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành giải phóng 100% mặt bằng dự án này.

Được biết, 2.186 tỷ đồng là toàn bộ vốn ngân sách dự kiến đầu tư cho dự án, bên cạnh 3.400 tỷ đồng vốn tự có của nhà đầu tư và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng. Tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng. 

2.186 tỷ đồng vốn Nhà nước được “khơi thông”, tin vui cho “đại gia BOT” - 1

CII có 10% trong Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và đến 30/6 vừa rồi đã cho công ty này vay gần 1.000 tỷ đồng (gốc lẫn lãi)

Chủ đầu tư dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trong đó, Công ty cổ phần CII Bridge&Road (công ty con của CII) sở hữu 10% vốn điều lệ.

Dự án này có phương thức hoàn vốn thông qua thu phí giao thông. Tổng chiều dài toàn tuyến của dự án là 51,1 km bắt đầu từ nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TPHCM - Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao thông QL30 (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Bề rộng mặt đường 13,75 m gồm 2 làn xe rộng 3,5 m và 2 làn xe phụ rộng 2,75 m.

Đây là một trong những trục đường trọng tâm nối TPHCM với 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Công trình dự kiến khởi công vào đầu năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, tuy nhiên do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vốn nên đến nay dự án này vẫn đang ách tắc.

Tại chuyến thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đây, Thủ tướng nêu yêu cầu thông tuyến cao tốc vào cuối năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.

Như vậy, theo lãnh đạo CII hai yếu tố khó khăn và quan trọng nhất của dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giải quyết.

“CII kỳ vọng rằng Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2020”, lãnh đạo CII cho biết.

Trước đó, vào hồi trung tuần tháng 6, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng với các ngân hàng đồng tài trợ vốn (gồm VietinBank, BIDV, VPbank và Agribank, trong đó VietinBank là ngân hàng đầu mối) để thực hiện tài trợ vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.

Báo cáo tài chính bán niên (đã được soát xét) của CII cho thấy, tại ngày 30/6/2019, CII đang có 924 tỷ đồng khoản phải thu với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (con số này vào thời điểm đầu năm là 505,5 tỷ đồng).

2.186 tỷ đồng vốn Nhà nước được “khơi thông”, tin vui cho “đại gia BOT” - 2

(Ảnh chụp BCTC)

Theo thuyết minh, đây là khoản cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vay theo hợp đồng ký ngày 20/12/2017 để đầu tư vào dự án đang thực hiện. Thời hạn của hợp đồng là 11 năm, lãi suất cho vay được áp dụng trong kỳ là 10,5%/năm.

Lãi cho vay (phải thu) với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tại ngày 30/6 đã lên gần 70 tỷ đồng (đầu năm là 26,8 tỷ đồng).

Mai Chi

2.186 tỷ đồng vốn Nhà nước được “khơi thông”, tin vui cho “đại gia BOT” - 3