Fica
  1. Chứng Khoán

2 tỷ, 5 tỷ hay 1.000 tỷ: Mức nào hợp lý để vào sân chơi chuyên nghiệp?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Với việc đưa quy định nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp vào Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), sân chơi mới sẽ được tạo ra cho cả doanh nghiệp và NĐT chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, định nghĩa về NĐT này nên được mở rộng góc nhìn và tính toán thật kỹ quanh các con số định lượng.

Nhà đầu tư cá nhân: Nên mở rộng cách xét

Theo định nghĩa trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), cá nhân được coi là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm 3 trường hợp: cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán; cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm; cá nhân có giá trị giao dịch chứng khoán trung bình hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng, hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết tối thiểu 5 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất.

Như vậy, có thể hiểu, những NĐT đã được đào tạo (có chứng chỉ kinh doanh chứng khoán) là trường hợp được coi là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mà không cần chứng minh tài sản. Với những NĐT không có chứng chỉ hành nghề, thì hoặc phải là NĐT có kinh nghiệm và bám sàn liên tục, hoặc có tài sản là chứng khoán đã niêm yết tối thiểu 5 tỷ đồng (nhóm NĐT có quy mô tài sản được coi là lớn).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên định nghĩa NĐT chứng khoán chuyên nghiệp rộng hơn, bao gồm các chuyên gia (hiện dự thảo quy định là trường hợp cá nhân có chứng chỉ hành nghề), đồng thời sửa đổi quy định về mức tài sản đối với trường hợp NĐT quy mô lớn.

Tham khảo quy định tại Singapore cho thấy, có 2 trường hợp NĐT cá nhân được coi là NĐT chuyên nghiệp.

Trường hợp một là NĐT được công nhận (accredited investor), phải thỏa mãn các yêu cầu như có tài sản ròng trên 2 triệu USD (gần 47 tỷ đồng), hoặc có thu nhập trong vòng 12 tháng gần nhất là từ 300.000 USD (7 tỷ đồng) trở lên.

Trường hợp hai là các chuyên gia, yêu cầu đặt ra là cá nhân mà hoạt động kinh doanh của họ liên quan đến mua bán các loại tài sản thuộc sản phẩm của thị trường vốn (tự doanh, môi giới trung gian, hoặc được ủy thác để thực hiện các hoạt động này).

Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, với quy định NĐT chuyên nghiệp, Việt Nam nên tham khảo quy định của các thị trường trong khu vực, nhưng cần tính đến sự khác biệt về quy mô thị trường và sức mua của người dân.

Mặc dù vậy, nếu nhìn vào quy định này trong Dự thảo Luật Chứng khoán, thì yêu cầu về quy mô tài sản với trường hợp NĐT cá nhân được chứng nhận của Việt Nam không bao trùm nhiều trường hợp và không mở đường cho NĐT mới sớm trở thành NĐT chuyên nghiệp.

Bởi vì, theo dự thảo, bất kể NĐT có bao nhiêu tiền cũng phải chờ ít nhất 1 năm và phải đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết, thì mới được coi là NĐT chuyên nghiệp.

Trong khi đó, với các NĐT cá nhân chuyên làm hoạt động M&A, hoặc các hoạt động tương tự, dù hiểu về chứng khoán và TTCK, nhưng có thể sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi, vì chưa từng đầu tư chứng khoán niêm yết, hoặc đầu tư chưa đủ lớn.

 

ảnh 1

 Ảnh Shutterstock

Ông Trần Nhật Minh, một chuyên gia thu xếp vốn trên TTCK nhận xét, quy định như dự thảo hiện nay sẽ buộc các NĐT phải tham gia đầu tư chứng khoán niêm yết, nếu muốn trở thành NĐT chuyên nghiệp, đặc biệt nếu muốn tham gia các thương vụ tái cấu trúc doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, quy định sân chơi cho NĐT chuyên nghiệp là hợp lý, nhưng cần mở rộng đối tượng cho các chuyên gia trong lĩnh vực M&A, thị trường vốn. Đối với trường hợp NĐT là… nhà giàu, có thể cân nhắc xem xét nâng mức chuẩn về tài sản, nhưng không nhất thiết là danh mục chứng khoán niêm yết, mà tài sản nói chung”, ông Minh nói. 

NÐT tổ chức: Yêu cầu về vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng là quá lớn

Trở lại với quy định về NĐT chuyên nghiệp tại thị trường Singapore, ngoài trường hợp các doanh nghiệp được quy định cụ thể (ngân hàng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư…), Singapore còn quy định không ít trường hợp khác như tổ chức hoạt động ủy thác, hoặc doanh nghiệp có tài sản ròng trên 10 triệu USD (tương đương 235 tỷ đồng).

Quy định tương tự tại Hồng Kông là doanh nghiệp hoạt động ủy thác đã từng được ủy thác danh mục không dưới 40 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 120 tỷ đồng), hoặc có danh mục đầu tư (bao gồm cả tiền gửi) không dưới 8 triệu đô la Hồng Kông (24 tỷ đồng), hoặc có tổng tài sản không dưới 40 triệu đô Hồng Kông (120 tỷ đồng)…

Như vậy, nhìn vào quy định tại 2 TTCK lớn trên thì dự thảo quy định về NĐT tổ chức là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp của Việt Nam khá chặt.

Ngoại trừ nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, với yêu cầu phải là tổ chức niêm yết từ 2 năm trở lên, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, so sánh tương đương sức mua thì Việt Nam quy định rất chặt so với các trường hợp khác.

Thêm vào đó, nhìn vào các thương vụ tái cấu trúc đã và đang diễn ra trên TTCK, điển hình là việc Thaco tham gia tái cấu trúc nhóm công ty Hoàng Anh Gia Lai, nếu quy định trong dự thảo được áp dụng, thương vụ này sẽ không thể diễn ra.

Về quy định đối với NĐT chứng khoán (tổ chức) chuyên nghiệp, nhóm thành viên Diễn đàn Thị trường vốn (VBF) gồm các tổ chức lớn như Dragon Capital, HSC, VFM… cho rằng, trên thực tế, có rất nhiều NĐT chuyên nghiệp tổ chức đầu tư trực tiếp vào thị trường Việt Nam bằng một tài khoản hoặc một danh mục đầu tư.

Do đó, cần đưa thêm vào định nghĩa các NĐT tổ chức này. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, một trong những tiêu chí cho định nghĩa NĐT chuyên nghiệp là năng lực đầu tư thực tế (dao động từ 1 - 5 triệu USD).

Nhóm này kiến nghị, nên bổ sung đối tượng NĐT tổ chức mua hoặc nắm giữa danh mục chứng khoán niêm yết, chứng khoán do công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đầu tư phát hành có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên để phù hợp với đặc điểm của thị trường Việt Nam.  

Theo Bùi Sưởng

ĐTCK