Vĩnh Phúc còn để xảy ra tồn tại trong quản lý ngân sách. |
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong chi đầu tư phát triển còn hạn chế, việc phân bổ vốn chi tiết cho một số dự án chưa đảm bảo trước 31/12 năm trước kế hoạch theo quy định của Bộ Tài chính.
Vĩnh Phúc còn bố trí vốn cho nhiều dự án khởi công mới khi còn tồn đọng nợ xây dựng cơ bản, chưa đảm bảo theo yêu cầu theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh chưa sát thực tế nên trong năm bố trí vốn bổ sung từ nguồn cải cách tiền lương, sự nghiệp kinh tế cho 64 dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, số tiền gần 1.263 tỷ đồng.
Tỉnh cũng dự kiến dùng nguồn sự nghiệp kinh tế, dự phòng tồn từ các năm trước gần 3.147 tỷ đồng để bố trí cho 132 dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.
Theo giải trình của tỉnh Vĩnh Phúc, việc đã bố trí hoặc dự kiến bố trí vốn cho các dự án nêu trên do cách hiểu của tỉnh thì nguồn tăng thu, thưởng vượt thu, nguồn cải cách tiền lương không phải là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước nên không thuộc diện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn (nằm ngoài kế hoạch vốn đầu tư trung hạn được trung ương giao).
Việc bố trí vốn đầu tư chưa sát thực tế cũng dẫn đến tỉnh phải điều chỉnh, hủy kế hoạch và chuyển nguồn sang năm sau lớn.
Trong công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư, quản lý thực hiện dự án, qua kiểm toán cũng cho thấy còn một số hạn chế.
Cụ thể, chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại một số dự án chưa cao, dẫn đến quá trình thực hiện dự án còn phải điều chỉnh, bổ sung, nhiều hạng mục, kéo dài thời gian thực hiện dự án so với kế hoạch phê duyệt, dẫn tới điều chỉnh bổ sung tăng tổng mức đầu tư.
Trong đó, dự án đường Tôn Đức Thắng kéo dài đoạn qua huyện Bình Xuyên duyệt điều chỉnh bổ sung 3 lần, tổng mức tăng hơn 34 tỷ đồng (bằng 93,7% ban đầu); Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện Sông Lô tăng 25,5 tỷ đồng (bằng 24,5% kế hoạch ban đầu); Dự án đầu tư xây dựng nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện đa khoa Phúc Yên cũng tăng 27,6% tổng mức đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, một số dự án tính khả thi chưa cao, khi thực hiện phải cắt giảm quy mô hoặc bị hủy bỏ không thực hiện.
Bên cạnh đó, tại đa số dự án được kiểm toán chi tiết, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công còn một số hạng mục chưa đầy đủ, rõ ràng; Một số công trình chưa đưa ra được phương án thiết kế phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần.
Đáng lưu ý, tính cạnh tranh trong đấu thầu cũng chưa cao, đa số các gói thầu xây lắp tại các dự án do Ban Quản lý dự án cấp huyện quản lý chỉ có 3-5 nhà thầu tham dự và chỉ có 1 nhà thầu vượt qua bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm và tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu thấp.
Tiến độ thi công của các gói thầu xây lắp tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều chậm tiến độ so với thời hạn quy định trong hợp đồng ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và phát sinh công việc trong quá trình thực hiện. Một số gói thầu xây lắp đã hết thời hạn thi công theo hợp đồng nhưng chủ đầu tư chưa kịp thời gia hạn theo quy định.
Phương Dung