Ông Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8/1945 (Ảnh: Gia đình ông Vương Duy Bảo cung cấp)
Khu dinh thự Vua Mèo (Vua H'Mông) nằm trên gò đất thuộc thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn (Hà Giang) 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8/1945.
Vương Chính Đức cũng là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là Vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Chọn khu đất hình lưng con rùa để xây dựng dinh thự
Theo tài liệu mà cháu nội của Vua Mèo, ông Vương Duy Bảo cung cấp, để xây dựng được toà dinh thự, năm 1890, Vương Chính Đức đã cho mời thầy địa lý tên là Trương Chiếu ở Xã Phố, huyện Đồng Văn tìm địa điểm làm nhà.
Khu dinh thự của Vua Mèo được xây dựng giữa cánh đồng Sà Phìn trên một quả đồi hình lưng con rùa (Ảnh: Hoàng Ngọc)
Sau một thời gian đi khắp mảnh đất Đồng Văn để tìm địa điểm, cuối cùng ông Trương Chiếu đã chọn mảnh đất Sà Phìn với những lời giải thích: Giữa cánh đồng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là những núi cao bao bọc. Sau lưng quả đất hình con rùa là dãy núi hình ghế tựa, có đất để co duỗi chân; Bên phải, bên trái đều có núi cao; Đằng trước có hai núi tượng trưng cho văn, võ đứng hầu, sau hai quả núi là một dãy núi chắn ngang như rồng uốn lượn. Từ những lời giải thích đó thầy địa lý đã kết luận, "đây là mảnh đất ở của bậc Anh kiệt".
Sau khi thầy địa lý đã chọn xong, Vương Chính Đức giao cho Cụ Hoàng (là người kinh, gốc Nam Định) là mưu sĩ cho Vương Chính Đức và ông Cử Chúng Lù (là người H'Mông ở Làn Trá Tủng huyện Đồng Văn) là người phụ trách quân đội người H'Mông của Vương Chính Đức để nghiên cứu, phác hoạ một toà nhà trên mảnh đất này.
Sau khi đã phác hoạ, Vương Chính Đức mời Tống Bách Giao là người Hán ở huyện Tây Thọ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thầu thiết bị và thi công. Ông này lấy người Hồi ở huyện Tuyên Uy tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sang để thiết kế và thi công.
Tòa dinh thự khởi công năm 1898 đến 1903 thì khánh thành. Tổng kinh phí hết khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe (tương đương khoảng 150 tỷ đồng). Khu dinh thự được xây kiểu pháo đài phòng thủ. Xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày 60-70 cm, cao 2 m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố.
Nhà thiết kế theo kiểu của người Hán, lò sưởi kiểu Pháp...
Toà dinh thự được chia làm 3 phần
Sau khi toà dinh thự được xây xong (với tổng diện tích lên tới hơn 3.000m2), Vương Chính Đức đã ở trong dinh thự này được 44 năm.
Khu dinh thự của thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông là kiểu nhà pháo đài phòng thủ và được chia làm 3 phần, đó là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh.
Tại phần tiền dinh: trước cửa có hai câu đối, bên trái là Gia tích thiện nhân hiền xuất nhập, bên phải là Môn trong người hào kiệt vãng lai (riêng câu bên phải này, năm 1938 Pháp xoá bỏ chế độ người H'Mông tự quản và yêu cầu Vương Chính Đức sửa lại thành Môn phong lưu quý khách vãng lai) để nhằm không cho Vương Chính Đức chiêu hiền nạp sĩ.
Vào bên trong Giếng trời của tiền dinh sẽ thấy tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán Biên chính khả phong, tạm dịch là Chính quyền biên cương vững mạnh, được Nhà Nguyễn mang từ Huế ra gắn cho dinh thự của Vương Chính Đức vào năm Khải Định thứ 13 cùng Thẻ bài Ngà voi và mũ áo Tấn phong cho Vương Chính Đức làm quan của Triều đình.
Bên phải của toà dinh thự tầng một là nơi ăn, ở của các thủ lĩnh, tầng hai là văn phòng của Vương Chính Đức và chỗ ăn, ở của Cụ Hoàng - mưu sĩ người kinh ở Nam Định.
Bên trái tầng một dinh thự là phòng khách của Tổng quản (người giúp việc của Vương Chính Đức), còn tầng hai là nơi ăn ở của các vệ sĩ.
Tại nhà chính tiền dinh, tầng một có 3 gian, là nơi sinh sống và sinh hoạt của vợ chồng cùng con cái Vương Chí Sình. Tầng hai của tiền dinh là nơi tiếp khách của Vương Chính Đức do Vương Chí Sình đảm nhiệm.
Một số đồ đạc vẫn được lưu giữ cẩn thận trong dinh thự của Vua Mèo (Ảnh: Hoàng Ngọc)
Tại phần trung dinh: Bên phải tầng một và hai là nơi nghỉ của họ hàng khi đến chơi (tầng một là của đàn bà, tầng hai là của đàn ông), bên trái tầng một là bếp tiểu táo phục vụ khách họ hàng do Vương Chí Chư (con trai thứ 3 của Vương Chính Đức) đảm nhiệm. Tầng hai là nơi để lương thực, thực phẩm.
Tại nhà chính của trung dinh, tầng dưới bên phải là phòng ngủ của Vương Chí Chư, gian giữa là nơi để bàn thờ tổ tiên kiêm phòng ăn của Vương Chính Đức tiếp người thân trong họ hàng. Gian trái là phòng ngủ của vợ con Vương Chí Chư. Còn tầng trên là nơi Vương Chí Chư tiếp bà con trong họ hàng đến chơi, ăn nghỉ tại dinh.
Tại phần hậu dinh: Đây là nơi ăn, ở sinh hoạt của Vương Chính Đức, bên phải tầng một là phòng ngủ của vợ Vương Chính Đức và các con chưa lập gia đình. Tầng hai là phòng ngủ của Vương Chính Đức. Bên trái tầng một là khu bếp nấu ăn cho Vương Chính Đức, bên trong là nhà khách của vợ con Vương Chính Đức.
Tầng hai là nơi cất giữ đồ dùng riêng của Vương Chính Đức, dãy nhà ngang trong cùng là nơi Vương Chính Đức tiếp khách, đồng thời là phòng ăn của riêng ông.
Ngoài ra khu dinh thự còn có 2 nhà cánh bên phải: là nhà khách để bà con đến chơi nghỉ lại qua đêm, còn nhà cánh bên trái là gác chứa lương thực, thực phẩm. Dưới nhà là bếp nấu ăn phục vụ mọi người trong dinh.
Ông Vương Chính Đức cùng các con cháu của mình (Ảnh: Gia đình ông Vương Duy Bảo cung cấp).
Trước khi mất, Vương Chính Đức đã chia toà dinh thự của ông cho những người thừa kế như sau: Tiền dinh sẽ cho Vương Quỳnh Sơn, cháu đích tôn của Ông Vương Chính Đức thừa kế. Trung Dinh sẽ cho Vương Chí Chư (con trai thứ 3 của Vương Chính Đức) thừa kế. Hậu dinh sẽ cho Vương Chí Sình (con trai thứ 4 của Vương Chính Đức) thừa kế. Việc thừa kế này có sự chứng giám của các đầu dòng, đầu họ người H'Mông.
Trần Thanh