Fica
  1. Bất động sản

Khó tìm mua căn hộ một tỉ đồng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhiều nguyên nhân khiến các chủ đầu tư “bó tay” khi làm dự án giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn.

Căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng từng là phân khcus sản phẩm cho đa số người có nhu cầu ở thực nhưng mức thu nhập còn hạn chế tại TP. Thế nhưng hiện nay hầu như không thể tìm được nguồn cung căn hộ có mức giá này tại thị trường TP.HCM.

Thanh khoản cao nhưng không có hàng

Ông Nguyễn Văn Tiến, một người dân, cho biết đầu năm 2018 ông tìm hiểu dự án căn hộ ở quận 12 có giá xấp xỉ trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Tuy nhiên, thời điểm đó ông không đủ tiền nên chưa mua được. Đến nay dự án mới cất nóc mà giá căn thấp nhất đã lên gần 1,5 tỉ đồng.

“Kiếm căn hộ giá trên dưới 1 tỉ tại TP.HCM gần như là không thể. Tôi tìm ở Bình Dương, Đồng Nai nhưng dự án gần TP cũng có giá 1-1,2 tỉ đồng/căn mà diện tích chỉ 50 m2. Thu nhập thấp, gia đình tôi buộc phải mua nhà ở ngoại thành, chấp nhận đi làm rất xa” - ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc L&L Group, nhận định giá đất nền, nhà phố tại TP.HCM đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2018. Người dân có thu nhập thấp hầu như không có cơ hội mua nhà để ở vì giá quá cao. Đối với căn hộ giá đã tăng đến 20%-30%. Phân khúc căn hộ tầm trung tại quận Thủ Đức, quận 9 hiện tại là trên dưới 2 tỉ đồng; dự án mới ở quận Bình Thạnh, Tân Bình giá thấp nhất cũng 2-3 tỉ đồng/căn. Theo ông Minh, giá trung bình của căn hộ tại TP.HCM thấp nhất đã 25-30 triệu đồng/m2, vì vậy để tìm mua một căn hộ giá trên dưới 1 tỉ đồng là việc bất khả thi.

“Năm ngoái, công ty tôi bán một dự án cho người thu nhập thấp tại huyện Nhà Bè giá chỉ trên dưới 900 triệu đồng/căn. Thế nhưng bây giờ giá đã tăng khoảng 300 triệu đồng/căn. Giá cả leo thang, chi phí tăng, mặt bằng giá bất động sản (BĐS) TP tăng theo nên căn hộ tăng giá là tất yếu” - ông Minh chia sẻ.

Nguyên nhân phân khúc bình dân mất hút được ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho hay là do quỹ đất dành cho việc phát triển các khu căn hộ tại TP đã cạn kiệt. Phân khúc căn hộ cho người thu nhập thấp có tính thanh khoản cao nhất nhưng thị trường đang thiếu hụt nguồn cung.

“Năm 2014, giá căn hộ cho người thu nhập thấp khoảng 700 triệu đồng/căn, giờ thì rẻ nhất cũng 1,2-1,3 tỉ đồng. TP lại thiếu chính sách phát triển dự án nhà ở cho người thu nhập thấp nên nguồn cung ngày càng khan hiếm dần” - ông Quang nói.

Khó tìm mua căn hộ một tỉ đồng - 1

Dù là phân khúc có thanh khoản tốt nhưng nguồn cung nhà ở bình dân lại rất hạn hẹp. Ảnh: Q.HUY

Chọn khu vực riêng, đa dạng hóa sản phẩm

Ông Quang cho rằng vẫn có thể làm được những dự án căn hộ có giá trên dưới 1 tỉ đồng nếu TP thực sự có chính sách hỗ trợ. Theo đó, TP nên dành quỹ đất khoảng 5-6 ha ở một trong các khu Đông, Tây, Nam, Bắc dành riêng cho phát triển dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, đi kèm tiện ích trường học, bệnh viện, khu vui chơi, thương mại…

“Đối với các dự án này, TP có thể có cơ chế cho chủ đầu tư làm những sản phẩm có diện tích nhỏ khoảng 30-40 m2. Nếu tạm tính giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2 thì mới có căn hộ giá dưới 1 tỉ đồng được. Ngoài ra, phải có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm này” - ông Quang góp ý.

Là doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, bổ sung: “Đẩy nhanh quy trình thủ tục hành chính cũng là khâu quan trọng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hóa sản phẩm BĐS như căn hộ cho thuê 49 năm, căn hộ 50 năm đáp ứng nhu cầu người dân”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thực tế số người mua nhà phân khúc trung cấp, cao cấp ở TP chỉ chiếm chỉ khoảng 30%-40%, phân khúc bình dân mới là chủ đạo. Ông Châu đồng ý với các góp ý trên, đồng thời đặt ra đề xuất Nhà nước cần có chính sách về tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên.

TP.HCM đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm. Đến nay đã giải ngân được khoảng 1.500 tỉ đồng cho hơn 4.000 người.

Số lượng trên là quá ít so với thực tế đối tượng công nhân, viên chức. Cần có nguồn lực lớn hơn để giải quyết cho nhiều người hơn. Chính sách này nên được nhân rộng, nếu trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên thì sẽ góp phần lớn đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở” - ông Châu góp ý.

Thị trường cho thuê nhà sẽ phát triển

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc L&L Group, cho rằng với giá BĐS ngày càng tăng thì rất khó để phát triển những dự án nhà cho người thu nhập thấp. Một trở ngại lớn nhất là vị trí dự án nhà ở thu nhập thấp thường xa trung tâm TP, người dân sẽ e ngại khi chọn mua vì không tiện cho công việc. Do đó trong vài năm tới đây, người dân có thu nhập thấp, không có khả năng mua nhà tại TP.HCM sẽ chấp nhận ở thuê, dành tiền mua nhà ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận.

5-10 năm nữa, với giá BĐS cao ngất ngưởng, người dân Việt Nam tại các đô thị sẽ giống các nước phát triển chủ yếu chọn hình thức thuê nhà dài hạn.

Ông Minh cho rằng việc khan hiếm căn hộ trên dưới 1 tỉ đồng phần nào sẽ tác động tích cực đến thị trường. Khi nguồn cung mặt hàng này khan hiếm, các nhà đầu tư căn hộ sẽ tích cực bán ra, thị trường sẽ giải phóng được hàng tồn kho. 

Theo: Quang Huy

Pháp luật TPHCM 

Khó tìm mua căn hộ một tỉ đồng - 2