Fica
  1. Bất động sản

Hà Nội: Nhà thuê giảm nửa giá vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê

Thế Hưng
Thế Hưng

Tại Hà Nội, nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê hoặc chỉ giảm rất ít nhưng hiện đã xuất hiện tình trạng giảm 20-30%, thậm chí 50%.

Chị P, chủ một mặt bằng cho thuê trên phố Huế (Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã không tìm được khách thuê nhiều tháng nay. Dù giá có giảm hơn trước, nhưng khách cũng không mặn mà với việc thuê mặt bằng tại phố lớn.

Hà Nội: Nhà thuê giảm nửa giá vẫn mỏi mắt tìm khách thuê - 1

Theo Giám đốc bộ phận cho Thuê thương mại-Savills Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh: "Ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch. Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định."

Song, giai đoạn trong dịch COVID-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.

"Thậm chí, nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn", bà Minh cho hay.

Nhiều nhà đầu tư đang mong viễn cảnh phục hồi, tuy nhiên, cũng theo bà Minh, việc hồi phục và triển vọng của lĩnh vực bán lẻ thương mại vẫn phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Theo đó, thị trường cần phải điều chỉnh lại, doanh thu của các hãng bán lẻ là yếu tố quan trọng để điều chỉnh lại giá cho thuê mặt bằng của các cửa hàng bán lẻ trở về đúng giá trị cũng như khả năng kinh doanh của các hãng.

Theo nhận định của đại diện diện Savills, trên thực tế, ở Việt Nam giai đoạn này, thị trường cho thuê đã bắt đầu điều chỉnh lại về giá trị thực tế của các chuỗi bán lẻ. Đặc biệt, mặt bằng đã không còn là "át chủ bài" của bán lẻ. Thay vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải suy tính kỹ hơn các chiến lược kinh doanh để giảm chi phí, gia tăng hiệu quả.

Trong báo cáo mới nhất của Savills, tại Hà Nội, Hoàn Kiếm hiện đang là khu vực có giá thuê lẻ cao nhất, đặc biệt là các vị trí nhà phố. Giá thuê mặt bằng có thể lên đến 1.800.000-2.300.000 đồng/m2, thậm chí lên đến 4.600.000-5.700.000 đồng/m2. Trong khi giá thuê trung bình của thị trường trong thời gian tới sẽ chỉ duy trì ở mức 920.000-1.100.000 đồng/m2 đối với các mặt bằng tầng 1.

Giá thuê mặt bằng hạ nhiệt, nhưng nguồn cầu từ các nhãn hàng nước ngoài chưa từng có mặt bằng tại Hà Nội tính từ nửa cuối 2020 đến nay lại tăng. Đây có lẽ là một tín hiệu khởi sắc, vì theo nhận định bà Minh, đối với thị trường Hà Nội, các nhãn hàng này đang có một nhu cầu thuê lớn hơn so với các doanh nghiệp nội địa. Với sự gia nhập của các hãng mới, thị trường Hà Nội sẽ đảm bảo được tỷ lệ lấp đầy trong thời gian tới.

Hà Nội: Nhà thuê giảm nửa giá vẫn mỏi mắt tìm khách thuê - 2

Cùng quan điểm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội khẳng định: "Bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt nhất trên thế giới. Hiện có không ít các thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng và gia nhập thị trường Việt Nam."

"Việt Nam đã có các cửa hàng Uniqlo, Zara. Các thương hiệu bán lẻ này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng từ các phân khúc khác nhau của thị trường. Những cửa hàng rộng trên 5.000 m2, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thời trang của trẻ em, người lớn, nam và nữ cũng đang hoạt động tốt. Bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới", ông Matthew Powell cho hay.

Thế Hưng