Mô hình thành phố theo hướng đa cực, giải pháp giúp đô thị phát triển bền vững, đang dần hình thành tại Hà Nội và TPHCM với nhiều đại đô thị mới.
Tại Hà Nội, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Thủ đô Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ dường như vẫn còn "nguội lạnh".
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội "chưa đủ sức sống để trở thành một đô thị trung tâm, một cực phát triển mới". Ông cũng đã chỉ ra 4 yếu tố quan trọng nhất để quy hoạch hệ thống đô thị được thực tế đón nhận và thực hiện.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, quy hoạch 5 thành phố vệ tinh đã được phê duyệt nhưng phát triển trên thực tế chưa được bao nhiêu.
2 siêu đô thị nên được phát triển theo hướng nào?
Để giảm tải hạ tầng, giảm dân số, nhiều nước trên thế giới phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm, đa cực phát triển. Ở Việt Nam, ông nhận thấy xu hướng này ra sao?
- Trên thế giới có nhiều mô hình đô thị và cũng thay đổi rất nhiều theo cách tiếp cận phát triển bền vững. Có quốc gia vẫn tiếp tục phát triển theo kiểu mở rộng các đô thị hiện có thành các siêu đô thị (megacity), có quốc gia chuyển sang phát triển mạng lưới đô thị bao gồm nhiều đô thị nhỏ kết nối thuận tiện với nhau, có quốc gia lựa chọn phát mô hình đa cực - đa trung tâm với nhiều đô thị cỡ vừa sao cho mỗi đô thị đủ sức là một cực phát triển độc lập.
Lựa chọn mô hình nào tùy thuộc vào tiềm năng sức tải của không gian mặt đất, đặc thù địa kinh tế, mật độ dân số, nguồn lực tài chính, chất lượng quản lý, khoảng cách đô thị và nông thôn…
Việt Nam hiện có 2 siêu đô thị là Hà Nội và TPHCM. Phát triển thế nào với 2 siêu đô thị này là một vấn đề lớn được đặt ra. Đến nay, có thể thấy cả 2 siêu đô thị đã lựa chọn mô hình phát triển kiểu đa cực - đa trung tâm.
TPHCM đã thành lập thành phố Thủ Đức được công nhận là thành phố loại 1 và đang có kế hoạch phát triển các thành phố khác tương tự.
Hà Nội sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc và 4 xã của Hòa Bình vào đã thành Hà Nội mở rộng. Quy hoạch phát triển của Hà Nội mở rộng đã được phê duyệt cũng theo hướng phát triển đa cực - đa trung tâm với 5 thành phố vệ tinh, giữa các thành phố vệ tinh và đô thị Hà Nội cũ là các khoảng xanh của cây xanh, mặt nước và nông nghiệp, phát triển về hướng tây là chủ đạo.
Dựa trên phân tích địa kinh tế, việc lựa chọn mô hình đa cực - đa trung tâm là phù hợp. Hà Nội cần mở rộng theo hướng lấy sông Hồng làm trục, phát triển cả về 2 phía tây nam và đông bắc sông Hồng, trong đó phía đông bắc có lợi thế phát triển mạnh hơn.
Quy hoạch do ý chí của con người tạo nên, khi phù hợp tự nhiên thì tồn tại, khi không phù hợp tự nhiên thì lãng phí và phải điều chỉnh lại. Quy hoạch 5 thành phố vệ tinh đã được phê duyệt nhưng phát triển trên thực tế chưa được bao nhiêu.
Như ông chia sẻ, quy hoạch 5 thành phố vệ tinh của Hà Nội đã được phê duyệt nhưng phát triển trên thực tế chưa được bao nhiêu. Ở Sơn Tây, Hòa Lạc… vừa qua có cơn sốt đất nền nhưng mau chóng qua đi. Vậy, Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh theo hướng nào, thưa ông?
- Theo quy hoạch, 5 thành phố vệ tinh của Hà Nội gồm Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và Hòa Lạc. Sốt đất tại Sơn Tây và Hòa Lạc vừa qua cũng chỉ vì có tin đồn rằng Sơn Tây và Hòa Lạc sẽ lên thành phố kiểu như Thủ Đức ở TPHCM. Bị giới "cò" đất kích động thành "sốt" đất nhưng rồi cũng qua mau vì thực tế những nơi này chưa đủ tiềm năng như Thủ Đức.
Nhiều nhà quy hoạch nhìn trên bản đồ, nảy sinh tư duy lãng mạn mà chấm điểm phát triển vào quy hoạch. Cách quy hoạch lãng mạn duy ý chí như vậy khó thành công.
Tôi còn nhớ nhà thơ Hoàng Trung Thông đã mô tả cách quy hoạch kiểu lãng mạn trong bài thơ "Anh chủ nhiệm" (hợp tác xã) làm quy hoạch với 2 câu thơ "Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh".
Khi quy hoạch một đô thị phát triển đến cỡ nào thì cần quan tâm tới 4 yếu tố. Đầu tiên đến điều kiện tự nhiên ở đó có tạo được sức tải cho một không gian đô thị hay không. Thứ hai là khả năng tạo việc làm của đô thị đó như thế nào, đấy chính là sức sống của đô thị đó.
Tiếp theo là khả năng kết nối địa kinh tế với các trung tâm kinh tế khác nhằm tạo sức sống trong cộng sinh kinh tế ra sao. Và cuối cùng là phương thức phát triển dịch vụ tiện ích đô thị để cuộc sống ở đó tiện nghi hơn.
Đây chính là 4 yếu tố quan trọng nhất để quy hoạch hệ thống đô thị tại nơi nào đó được thực tế đón nhận và thực hiện.
Nhiều người hay lo lắng về việc lấy ngân sách đâu để đầu tư phát triển. Khi đô thị theo quy hoạch có sức sống thì nguồn tài chính tư nhân gắn với vốn hóa đất đai sẽ làm được tất cả. Gốc của vấn đề vẫn là sức sống của đô thị theo quy hoạch đến đâu.
Nhìn lại 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, tôi cho rằng chưa đủ sức sống để trở thành một đô thị trung tâm, một cực phát triển mới.
Ví dụ như Sơn Tây, nên quy hoạch thành trung tâm phát triển của văn hóa xứ Đoài xưa, từ đó mới có cơ hội phát triển kinh tế. Đối với Hòa Lạc, ta đã có quy hoạch ở đó thành khu công nghệ cao của Hà Nội, có lúc đã điều hẳn một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phụ trách riêng, nhưng đến nay mãi vẫn không thành. Còn 3 đô thị vệ tinh còn lại gồm Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên cũng thiếu sức phát triển do khó tìm ra nguồn công việc cho cư dân. Ý chí quy hoạch đang thiếu tính khả thi đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, chúng ta quy hoạch Hà Nội đi về phía tây đã tạo nên sức phát triển đô thị mạnh trên địa bàn Từ Liêm. Còn phía đông, có thể thấy đại dự án của tập đoàn bất động sản lớn góp sức phát triển đô thị khi tạo nên một thành phố mới thu nhỏ. Dân Hà Nội đang chuyển sang ở phần phía đông như một xu hướng hiện nay.
Thực tế đã có lựa chọn khác với quy hoạch 5 đô thị vệ tinh
Như vậy, trong khi 5 đô thị vệ tinh nguội lạnh thì "cực đông", "cực tây" Hà Nội đang nổi lên những điểm nóng phát triển đô thị trong vài năm trở lại đây. Một loạt dự án lớn về phát triển hạ tầng và đô thị đã thu hút mạnh một lượng lớn dân đổ về, tạo nên một xu hướng chuyển dịch vùng ven rất rõ nét. Ông có nhận định, lý giải gì về vấn đề này?
- Trước thực trạng cư dân Hà Nội chọn hướng tây và hướng đông để dịch chuyển chỗ ở, tôi chỉ có thể nói rằng thực tế có một lựa chọn khác với quy hoạch 5 đô thị vệ tinh. Đi về phía tây là đúng hướng quy hoạch định hướng phát triển, đi về phía đông là sự lựa chọn tự nhiên của các nhà đầu tư tư nhân và người dân Hà Nội.
Tôi cho rằng Hà Nội nên bám sát 2 bên sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục kéo từ đền Tản Viên thờ Sơn Tinh trên núi Ba Vì phía tây bắc kéo đến đền Chử Đồng Tử phía đông nam.
Bên này sông Hồng là Hà Nội cũ, bên kia sông Hồng là Hà Nội mới, kết nối giữa Hà Nội cũ và Hà Nội mới là những cây cầu bắc qua sông Hồng. Các đô thị trung tâm như các cực phát triển mới nằm dọc theo sông Hồng. Như vậy sẽ phù hợp với thực tế cuộc sống hơn.
Cần giải pháp giãn dân, bớt áp lực cho nội đô
Việc xây dựng các đại dự án vùng ven đầy đủ tiện ích gắn với khả năng siêu kết nối liệu có giải được bài toán "đất chật người đông" khu trung tâm không thưa ông?
- Hà Nội cũng đã rất chật vật với việc thực hiện chủ trương giãn dân khu phố cổ để giảm áp lực dân số nội đô cũ, hướng tới cải tạo được Hà Nội cổ. Hà Nội đã xây dựng hẳn khu đô thị mới Việt Hưng bên Gia Lâm để tái định cư cho dân phố cổ Hà Nội. Nỗ lực thế mà dân phố cổ vẫn không chịu di dời. Ở đây là thể hiện tư duy duy ý chí trong hoạch định chính sách.
Trong cuộc sống, con người luôn lựa chọn nơi sống sao cho điều kiện sống tốt nhất, kiếm tiền được nhiều nhất và chi phí ít nhất. Khi người dân thấy di dời không bằng ở lại thì họ lựa chọn ở lại, khi di dời tốt hơn ở lại thì họ di dời.
Chúng ta đã nhiều lần quyết tâm đưa dân Hà Nội lên các khu kinh tế mới. Trên thực tế, chỉ có khu kinh tế mới nào có cuộc sống tốt hơn, vui hơn, kiếm được nhiều tiền hơn là tồn tại đến nay, còn tại những khu khó khăn, vất vả thì người dân lại quay về Hà Nội, kể cả sống không có hộ khẩu.
Quy luật cuộc sống là như vậy!
Nhiều người lựa chọn khu sinh thái ven thủ đô, đây là lựa chọn tốt của nhiều cư dân Hà Nội khi cuộc sống ở đây đủ tiện nghi, môi trường trong lành, đi lại thuận tiện.
Yêu cầu phân bố lại dân cư trong quá trình đô thị hóa là đương nhiên được đặt ra. Lời giải chính là tạo ra hiệu quả lợi ích trừ chi phí cao hơn tại các khu đô thị mới so với nơi ở cũ tại trung tâm Hà Nội cũ.
Lợi ích và chi phí không chỉ tính bằng tiền, mà cả những yếu tố không tính được bằng tiền như môi trường sinh thái, tiện ích tinh thần, tâm linh… Thêm vào công cụ thuế bất động sản phù hợp sẽ giải quyết tốt vấn đề giảm dân số Hà Nội cũ rất dễ dàng.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Mạnh (ghi lại)