Fica
  1. Bất động sản

Giá thuê nhà phố "đất vàng" Hà Nội, TPHCM lao dốc sau nhen nhóm phục hồi

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Mức giảm giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm lẫn ngoài trung tâm ở cả hai thành phố lớn đều giảm.

Giá thuê nhà phố đất vàng Hà Nội, TPHCM lao dốc sau nhen nhóm phục hồi - 1

Mặt bằng có vị trí đắc địa vẫn chưa tìm được khách thuê sau nhiều tháng (Ảnh: Đại Việt).

Trong báo cáo quý II vừa công bố, đại diện CBRE Việt Nam cho biết thị trường bán lẻ đã chịu những tác động đáng kể dưới làn sóng Covid-19 lần thứ tư.

Tỷ lệ tiêm vắc xin còn hạn chế cùng với việc thành phố liên tục thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nổi bật là chỉ thị dừng hoạt động các quán ăn, uống đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè trên toàn thành phố từ ngày 3/5 đã tác động lớn đến thị trường bán lẻ.

Theo số liệu thống kê từ Google, sau khi ghi nhận số lượng người ghé thăm các trung tâm thương mại hoặc các không gian bán lẻ gia tăng và có triển vọng phục hồi tốt từ quý I. Còn trong quý II, con số này đã sụt giảm một cách đáng kể. 
Đại diện CBRE Việt Nam cho biết, về hoạt động thị trường, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.

Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 29 USD/m2/tháng (tương đương 667.000 đồng), giảm 3,8% theo năm và 2,8% theo quý. Tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao, đạt 14,6%.

Còn tại thị trường TPHCM, dưới sức ép từ làn sóng dịch nghiêm trọng, giá thuê trong quý II ghi nhận đạt 34 USD/m2/tháng (hơn 780.000 đồng), giảm 5,2% theo năm do nhiều trung tâm thương mại đóng cửa, các dự án đồng loạt giảm giá thuê, cũng như có các chính sách hỗ trợ khách thuê trong thời gian giãn cách xã hội thời gian qua. Tỷ lệ trống là 14,6%.

Tại khu vực trung tâm Hà Nội, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm, đạt 102 USD/m2/tháng (2,3 triệu đồng), giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm.

Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới, cũng như bị ảnh hưởng do dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này đã tăng 10 điểm phần trăm.

Dữ liệu từ Real Capital Analytics cũng cho thấy doanh số bán hàng toàn cầu của bất động sản bán lẻ giảm 35% vào năm 2020 so với mức giảm 29% của các lĩnh vực khác. Tại Việt Nam khi thị trường đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, cái nhìn của người tiêu dùng về nền kinh tế trở nên ảm đạm.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại của Savills Hà Nội, cho rằng để có thể tồn tại, thích ứng và phát triển trước những thách thức hiện hữu này, mặt bằng cho thuê bán lẻ cần đa dạng hóa bằng cách bổ sung thêm các ngành hàng ăn uống và cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn, thậm chí cả không gian làm việc. Trong tương lai, sẽ khó để có thể thấy trung tâm thương mại tồn tại chỉ với 100% khách thuê bán lẻ và giải trí.

Đề cập đến triển vọng, đại diện CBRE dự báo nhìn chung, các dự án mới, cùng với sự mở rộng, gia nhập của các nhãn hàng hứa hẹn sẽ cải thiện thị trường bán lẻ trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.

Các yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bán lẻ như việc phát triển mô hình đa kênh nâng cấp cửa hàng, các biện pháp hỗ trợ khách thuê, quan trọng nhất là các biện pháp chống dịch quyết liệt của chính phủ, với quyết tâm đạt tỉ lệ tiêm chủng cho 70-75% dân số vào quý I/2022. Tuy nhiên vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để thị trường quay trở lại như thời điểm ban đầu.

Nguyễn Mạnh