Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản (BĐS) giống như chiếc lò xo bị nén vào mỗi đợt dịch bùng phát, sau mỗi đợt dịch, nhu cầu BĐS bật tăng mạnh trở lại, khi thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao.
Thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại khi dịch bệnh qua đi.
"Lò xo càng nén, sức bật càng lớn"
Tháng 5, chứng kiến số lượng doanh nghiệp bất động sản mới tiếp tục tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước, điều này cũng chỉ báo những tín hiệu tích cực về sự hồi phục thị trường BĐS trong năm 2021.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định: "Trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào."
Nhìn về dài hạn, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng: tỷ lệ đô thị hóa 35% - rất thấp so với hơn 50% của Thái Lan, hơn 60% ở Trung Quốc và một lượng lớn nhu cầu với gần 100 triệu dân. Tại Việt Nam, có thể nói, sở hữu một ngôi nhà dường như là điều bắt buộc đối với một người trưởng thành.
Ông Tuấn cho biết, từ góc độ nguồn cung, có thể thấy đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS. Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, mỗi năm Hà Nội và TPHCM cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội thắng thế.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo đại diện CTCP Địa ốc Phú Long, đợt dịch lần này là "khoảng lặng'' cần thiết để Phú Long nhìn lại và có sự chuyển đổi số, áp dụng những công nghệ mới nhằm gia tăng giá trị nội lực, chuyển đổi số và đưa ra một kế hoạch dài hơi trong việc kinh doanh của mình. Và trọng tâm của chiến lược này là việc công ty nhanh chóng đưa ra các quyết định và hành động theo đó.
Trong khi đó, theo ông Mai Đức Toàn, Giám đốc Khối Kinh doanh và tiếp thị, Tập đoàn CNT Group, doanh nghiệp địa ốc đang trạng thái "nín thở" chờ diễn biến tiếp theo của đợt dịch lần này. Thị trường BĐS sẽ chịu phụ thuộc trực tiếp theo tình hình diễn biến của dịch. 3 đợt Covid trước đó, giá BĐS vẫn tăng lên ở nhiều phân khúc, thậm chí hình thành một cơn sốt đất trên diện rộng ngay đầu năm nay, do đó BĐS vẫn đang trong chu kỳ khó đoán định.
Sự sôi động của thị trường phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc xin.
Đồng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, đợt dịch lần 4 như một rào chắn buộc tất cả phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Nó là cú đánh trực diện vào thị trường không có cách nào né tránh được. Công ty nào nhanh chân thì giữa 2 đợt dịch còn tranh thủ được đôi chút, còn không đành phải ngồi chờ cơ hội khi dịch bệnh qua đi.
Nhận định về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, bà Hương cho rằng câu trả lời không nằm ở yếu tố thị trường quyết định mà hoàn toàn tùy thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh diễn biến như thế nào do đây là hoàn cảnh bất khả kháng.
Kịch bản nào cho thị trường cuối năm?
Có 2 kịch bản có khả năng xảy ra vào 6 tháng cuối năm.
Kịch bản tích cực là thị trường phục hồi 1 phần ở giữa quý 3 và khởi sắc trở lại trong Quý 4 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vắc xin và các Công ty 100% tiêm vắc xin được cho nhân viên. Thị trường 6 tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng ít nhất 25-30% so với 6 tháng đầu năm nếu đạt được tỉ lệ lý tưởng này do các doanh nghiệp sẽ tăng tốc tối đa để bù lại 6 tháng đầu năm.
Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm Quý 3 để dập dịch, vắc xin không đủ để triển khai cho dân và chỉ đạt mức dưới 30%, các Công ty vì vậy có thể chưa đến 50% số lượng nhân viên được tiêm. Thị trường 6 tháng cuối năng khả năng tăng trưởng không cao do các DN sẽ dần bị đuối sức.
Việc duy trì bộ máy hoạt động đã là một gánh nặng cho DN. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị phá vỡ và như vậy doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường chung sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với 6 tháng đầu năm nếu không nhận được các sự trợ lực cần thiết và kịp thời.
Tuy nhiên trong cả 2 kịch bản sẽ vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý... sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.
Theo Mai An
Diễn đàn Doanh nghiệp