Fica
  1. Bất động sản

"Cơn sốt" lắng xuống, giá đất Văn Giang có nơi giảm gần một nửa

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Vừa qua, giá đất Văn Giang (Hưng Yên) đã tăng chóng mặt khi có tin đồn địa phương này sẽ sáp nhập về Hà Nội. Nhưng khi cơn sốt đất lắng xuống, giá đất tại đây đã giảm gần một nửa.

Giá giảm 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các giao dịch bất động sản cũng bị đình trệ. "Cơn sốt" đất tại các huyện vùng ven Hà Nội cũng dần lắng xuống. Theo một số môi giới đất tại khu vực huyện Văn Giang (Hưng Yên), giá đất tại đây chỉ giảm nhẹ so với đầu năm nay.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của Dân trí, đầu năm nay, giá đất mặt đường hai ô tô tránh nhau tại huyện Văn Giang là khoảng 24-25 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ ô tô nhỏ vào được có giá khoảng 18-19 triệu đồng/m2. Nhưng hiện tại, giá đất mặt đường lớn giảm còn khoảng 19-20 triệu đồng/m2, ngõ nhỏ dao động 15-16 triệu đồng/m2.

Cơn sốt lắng xuống, giá đất Văn Giang có nơi giảm gần một nửa - 1

Đất Văn Giang có thời điểm tăng giá gấp gần 3 lần.

Theo anh Công, một người dân sinh sống tại huyện Văn Giang, thời điểm đầu năm, giao dịch đất ở tại đây diễn ra nhiều không kể xiết. Mua bán đất diễn ra nhanh chóng như mua rau ngoài chợ. Thậm chí, người mua còn sang tên luôn cho khách khác ngay khi vừa giao dịch xong với chủ đất.

Khách đầu tư từ khắp nơi nhờ anh đưa đi xem đất, đặc biệt là các khu đất chủ nhà cần bán gấp. Đặc biệt sau mùa bóng đá Euro đi qua, anh Công đã dẫn không ít khách đi mua đất của những gia đình có con chơi cá cược bóng đá vỡ nợ. Nhiều mảnh đất mặt đường gần chợ trước đây chủ đất hét giá 22 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại họ cần tiền gấp nên giảm gần một nửa chỉ còn khoảng 13 triệu đồng/m2.

Ngoài những giao dịch cần bán gấp, giá đất Văn Giang cũng ghi nhận mức giảm rõ rệt. Theo chị D., một môi giới đất tại đây, giá đất Văn Giang đã giảm trung bình 3-4 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí, giao dịch phổ biến trong khoảng 13-17 triệu đồng/m2.

Cơn sốt lắng xuống, giá đất Văn Giang có nơi giảm gần một nửa - 2

Giá đất tại Văn Giang hiện giao dịch phổ biến trong khoảng 13-17 triệu đồng/m2.

"Trước đây, giá đất trong ngõ ô tô vào được, gần trung tâm bóng đá chỉ 8,7 triệu đồng/m2. Đầu năm nay tăng mạnh lên 22 triệu đồng/m2, nhưng hiện giờ lại giảm về 16 triệu đồng/m2", chị D. thông tin và khẳng định, giá đất giảm mạnh nhưng vẫn chưa về mức giá trước khi "sốt".

Thời điểm diễn ra "sốt" đất, bất kể khu vực nào tại Văn Giang cũng diễn ra giao dịch, nhưng khu vực thị trấn Văn Giang vẫn được nhiều người quan tâm nhất. Các giao dịch tại đây chủ yếu là đất có sổ đỏ. Nhà đầu tư ít quan tâm tới đất dịch vụ, đất nông nghiệp....

Đất vùng ven không giảm về giá cũ

Nhận định về biến động giá đất vùng ven Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tùng Phương, Phó trưởng bộ môn Kinh doanh Bất động sản (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, các ngân hàng đang có chính sách giãn nợ và giảm lãi suất. Vì thế, nhiều nhà đầu tư bất động sản có thể găm hàng và không có xu hướng bán tháo.

Ngoài ra, theo bà Phương, bối cảnh dịch bệnh khiến tâm lý của nhà đầu tư lo ngại vấn đề lạm phát. Do đó, để tránh rủi ro khi đồng tiền mất giá, các nhà đầu tư tìm tới các kênh trú ẩn như vàng hay bất động sản, chứng khoán....

Cơn sốt lắng xuống, giá đất Văn Giang có nơi giảm gần một nửa - 3

Giá đất giảm nhưng vẫn cao, chưa thể về sát giá gốc.

"Những yếu tố đó khiến các nhà đầu tư "ôm" bất động sản chưa có động thái xả hàng. Hơn nữa, lãi suất tiền gửi giảm càng khiến nhà đầu tư quyết tâm giữ hàng", bà Phương chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sốt đất vùng ven Hà Nội đa phần đều là đất ruộng vườn, đất trồng cây được phân lô để bán và sang nhượng trái quy định. Các nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ mà vẫn mua bán sẽ tạo sự hỗn loạn trên thị trường. Chính họ cũng phải chịu hậu quả nặng nề khi Nhà nước vào cuộc kiểm soát các hoạt động này.

Do đó, theo ông Đính, phân khúc này đang giảm giá mạnh trong thời điểm hiện tại. Còn các dự án có đầy đủ tính pháp lý không bị ảnh hưởng quá nhiều. Một số đơn vị điều chỉnh giá của các dự án này để tăng giao dịch trong thời gian dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường.

Thế Hưng