Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay (19/6).
Quản lý BĐS công nghiệp còn nặng “bao cấp”, chưa sẵn sàng đón “đại bàng”
Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay (19/6) thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng.
Ông Phạm Minh Phương - Chủ nhiệm CLB ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế kiêm Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng: Bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Chính vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.
Ông Phương cho biết, bất động sản công nghiệp của Việt Nam được đánh giá cao bởi ký được nhiều các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA nhưng hiện nay quy mô của nhiều khu công nghiệp còn nhỏ, để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.
Để phát triển được bất động sản công nghiệp, ông Phương cho rằng quan trọng vẫn phải tìm được doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội mà chúng ta sắp được nhận.
Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư... tham dự.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay, cơ hội đón “đại bàng” trước làn sóng rút khỏi Trung Quốc cực kỳ lớn. Tuy nhiên, làm gì để nắm bắt cơ hội thì là chuyện lớn, ông Võ đặt vấn đề.
Theo ông Võ, cách quản lý khu công nghiệp hiện này vẫn “yếu” chất thị trường, chất “bao cấp” vẫn nặng nề. Một khu công nghiệp muốn ra đời phải qua quá nhiều cấp ký, từ người đứng đầu Chính phủ đến nhiều bộ ngành.
“Khu công nghiệp rất quan trọng, bây giờ quản rất chặt, thì nó càng ngày càng “teo” lại, phải đẩy nó ra thị trường nó mới lớn được. Có quy hoạch rồi từ đó ra thị trường. Chúng ta cần có quy hoạch, chúng ta cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Võ, chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường BĐS công nghiệp. “Hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng để đón “đại bàng” chưa. Tôi cho rằng là chưa”, ông Võ nói.
Giá bất động sản công nghiệp tăng quá cao
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giá đất khu công nghiệp đang tăng quá cao. "Trước khoảng 100 USD thấy cao rồi, hôm vừa rồi có người nói 150 USD”, ông Hoàng cho rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của các khu công nghiệp.
Theo ông Hoàng, muốn mời “đại bàng” đến thì phải có sẵn nguồn lực đất đai. Tuy nhiên hiện nay quỹ đất đang thu hẹp lại dần, thêm vào đó giá lại càng cao.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết không phải cứ rời khỏi Trung Quốc là vào ngay Việt Nam. “Họ nhìn vào ASEAN, Ấn Độ. Ấn Độ có tính cạnh tranh rất cao”, ông Thành nói.
Theo nhìn nhận của ông Thành, khu vực ASEAN chưa có một nền kinh tế đơn lẻ nào đủ sức có thể thay thế Trung Quốc làm chuỗi cung ứng toàn cầu mà phải liên kết với nhau lại.
Cũng theo ông Thành, nếu chỉ “chăm chăm” đón các tập đoàn lớn hay gọi là “đại bàng” thì các khu công nghiệp còn lại sẽ có khả năng dư thừa. Do vậy cũng cần hướng tới thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng. Có như vậy tỷ lệ hấp thu các khu công nghiệp mới đảm bảo được.
Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Công ty BSM cũng cho rằng Việt Nam đang đón nhà đầu tư trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các nước xung quanh. Trong cuộc cạnh tranh này, nếu các doanh nghiệp chỉ đơn thuần đưa ra các khu công nghiệp với đất đai, hạ tầng mà quên đi vấn đề lực lượng lao động cũng sẽ gặp khó khăn.
“Nhà đầu tư rất quan tâm đến nguồn lực lao động tại địa phương, môi trường ổn định, an ninh tốt”, ông Thành nói. Trong khi đó theo ông Thành, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản công nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc nhiệt tình từ địa phương trong việc triển khai dự án, giải phóng mặt bằng…
Nguyễn Mạnh