Fica
  1. Bất động sản

Bất chấp dịch, 2 phân khúc bất động sản vẫn được dự báo tăng cuối năm

Bài lấy lại
Bài lấy lại

2 phân khúc địa ốc được dự báo không giảm giá dù chịu áp lực lớn; Giá bất động sản Việt Nam tăng bất chấp dịch, ở các nước khác thế nào?... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Giá bất động sản Việt Nam tăng bất chấp dịch, ở các nước khác thế nào?

Đáng chú ý không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng về giá ở thị trường bất động sản.

Vừa qua, Savills cho biết đã tiến hành cuộc khảo sát tốc độ hồi phục của thị trường nhà ở tại 30 thành phố trên toàn cầu. Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2020, thị trường nhà ở tại những thành phố này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng giá nhẹ khoảng 0,7%, phần lớn là bởi các lý do về bất ổn xã hội, những thay đổi về chính sách và thuế quan tại nhiều quốc gia và sau đó là đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản cao cấp tại nhiều nước đã cho thấy sự phục hồi, bằng chứng là tăng trưởng giá trung bình đạt mức 3,9%, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016.

Những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường có thể kể đến là lãi suất thấp, cải thiện trong niềm tin của người mua, sự gia tăng số lượng giao dịch có giá trị cao cũng như các biện pháp kích cầu kinh tế.

Bất chấp dịch, 2 phân khúc bất động sản vẫn được dự báo tăng cuối năm - 1

Trung Quốc là quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về giá bất động sản nhà ở trong năm 2021 (Nguồn: Chinadaily).

 2 phân khúc địa ốc được dự báo không giảm giá dù chịu áp lực lớn

Về triển vọng thị trường những tháng cuối năm nay, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết: "Đối phân khúc căn hộ, đất nền, do dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp nên tình hình thị trường bất động sản các tháng cuối năm có thể nói là sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các chủ đầu tư, các nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng trong việc tung bán cũng như các quyết định đầu tư".

Đáng chú ý theo bà Hằng, giá hai phân khúc này được dự báo sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.

Nhận định về thị trường nhà ở sau dịch, bà Hằng cho rằng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thị trường sau thời gian bị nén lại được dự báo sẽ sôi động hơn. Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, các sản phẩm nhà ở với khoảng giá từ 35 triệu đồng/m2 đến trên 40 triệu đồng/m2 đang nhiều hàng và cũng đang bán được với số lượng nhiều nhất, với lượng tiêu thụ dẫn đầu tính đến thời điểm nửa đầu năm nay.

Liêu xiêu vì cạn tiền, môi giới địa ốc còn lo sốt vó mất cọc, bị phạt

Theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản, mặc dù các sàn đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng, chừng ấy là không đủ để vượt khó. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Chi phí duy trì doanh nghiệp không hề được giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong khi doanh nghiệp không có nguồn thu đã tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp", lãnh đạo Hội nhấn mạnh.

Bất chấp dịch, 2 phân khúc bất động sản vẫn được dự báo tăng cuối năm - 2

Dân môi giới bất động sản khó khăn trước tác động của đại dịch (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý, lãnh đạo Hội này cho biết dân môi giới cũng đang chịu rủi ro bồi thường hợp đồng hoặc liên đới chịu trách nhiệm hoặc rủi ro mất tiền cọc, bị phạt do không thực hiện đúng cam kết tiến độ.

Bên cạnh đó là nỗi lo bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội… do không có nguồn thu. Thêm nữa, bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện… do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.

Chán cảnh đấu trí lừa lọc, môi giới nhà đất bỏ về quê làm công nhân

Không chỉ lừa khách, các môi giới còn lừa lẫn nhau. Theo chia sẻ của anh Minh do nguồn cung thiếu hụt, một số môi giới đã đóng giả khách mua để đi xem nhà của môi giới khác. Sau khi lấy được thông tin chủ nhà, người môi giới sẽ chủ động liên lạc và dẫn khách của mình đến xem. Đây là tình trạng "nhảy" nhà giữa các môi giới.

Nếu môi giới may mắn vào được các sàn uy tín và có nhiều sản phẩm để bán thì lại phải đấu tranh nội bộ. Điển hình của việc tranh đấu theo chị Vũ Hà  - môi giới nhà đất tại Cầu Giấy (Hà Nội) - chính là cắt hoa hồng của chính bản thân hay còn gọi "cắt máu". Theo đó, các môi giới sẽ tiếp cận khách hàng của nhau và chào mời mức ưu đãi cao hơn (được trích ra từ chính hoa hồng mà họ được nhận nếu bán được). Do đó, ai cắt hoa hồng sâu hơn thì sẽ giành được khách hàng.

Theo chị Hà, môi giới có sản phẩm đẹp bằng mọi cách phải bán trước không đồng nghiệp sẽ bán mất. Sàn quá đông nhân viên, vì thế việc đấu trí không phải chỉ với 1-2 người. Không ít người vì quá mệt mỏi nên cũng bỏ nghề. Một số đồng nghiệp cũ của chị Hà đã bỏ về quê làm công nhân. Họ chấp nhận yên ổn với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng thay vì đấu tranh mệt mỏi với mức thu nhập phập phù, lúc cao chót vót lúc không có gì.

Mua chung cư chưa đủ điều kiện mở bán: Loạt cảnh báo để tránh mất oan cọc

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thực tế ghi nhận không ít kênh môi giới (nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư đã giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán.

Hình thức nhận đặt cọc chỉ từ một tờ giấy đặt cọc đơn giản chỉ ghi nhận số tiền đặt cọc đến những văn bản chi tiết hơn như hợp đồng đặt cọc hay văn bản thỏa thuận về việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn, đăng ký mua căn hộ chung cư. Khoản đặt cọc từ vài chục triệu đồng đến những khoản lớn hơn gấp nhiều lần.

Trước thực tế nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý khách hàng một loạt điểm cần lưu ý. Trong đó, cần tìm hiểu rõ địa vị pháp lý của bên nhận đặt cọc hoặc bên bán hàng trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Ngoài thông tin do bên nhận đặt cọc hay bên bán hàng cung cấp, khách hàng cần đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh cũng như kiểm tra lại thông tin từ kênh chủ đầu tư.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)