Tiền và Hàng 21/04/2015 08:00

Xuất khẩu cà phê sụt giảm mạnh do giới đầu cơ tìm mọi cách ép giá

FICA- Cập nhật về kết quả quý I/2015, ông Phan Hữu Đễ, nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội Cà phê - ca cao Việt Nam cho hay, nếu như trong quý I/2014, toàn ngành xuất khẩu được 500.000 tấn thì quý I năm nay chỉ được 300.000 tấn.

Lý do chủ yếu là do giá xuống. Bên cạnh đó, theo ông Đễ, sản lượng giảm còn do hoạt động của một số nhà đầu cơ, tìm mọi cách ép giá. Đây là một điểm cần suy nghĩ đặt ra đối với các nhà kinh doanh, phải làm sao để thúc đẩy phát triển ngành cà phê.

Cà phê là mặt hàng còn rất nhiều dư địa để nâng cao giá trị gia tăng, chiếm lĩnh thị trường nội địa và tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tuy nhiên, theo ông Đễ thì để cà phê được nâng cao giá trị, điều cơ bản nhất là phải mở rộng thị trường và thứ hai là củng cố thị trường đang có.

Theo đó, muốn đảm bảo yếu tố này, chất lượng cà phê phải đảm bảo và lượng xuất khẩu vào các thị trường cũng phải đảm bảo. Ông Đễ cho biết, phía Hiệp hội đã thúc đẩy doanh nghiệp cố gắng đi vào được thị trường mới, như thị trường Nga hiện nay còn đang bỏ ngỏ trong khi đây là một thị trường mạnh.

Ngoài ra, theo ông Đễ, nhiệm vụ của ngành cà phê là phải nâng cao việc xuất khẩu các mặt hàng đã chế biến bởi nếu chỉ xuất khẩu hàng thô thì giá trị sẽ giảm sút. Ông Đễ cho rằng, đối với các mặt hàng đang xuất khẩu, cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh được với các nước giảm thuế, nếu không đây sẽ là rào cản rất khó khăn để tiến vào các thị trường.

Đối với thị trường nội địa, ông Đễ nhận định, đây mặc dù là thị trường rất cơ bản nhưng hình như còn bỏ ngỏ. Nếu như các nước xuất khẩu cà phê lớn như Braxin hay Indonexia, có tới 35% sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước,thì ở Việt Nam, tỉ lệ này mới là 7-10%. Từ nay đến năm 2020, Hiệp hội đang cố gắng đề nghị thúc đẩy doanh nghiệp đạt tới tiêu thụ 15% sản phẩm cà phê ở thị trường nội địa.

Một vấn đề nữa là về vốn để tái canh. Theo ông Đễ, nếu không tái canh một cách nhanh chóng thì khoảng 5-10 năm nữa sản lượng sẽ không còn được như thế này. Hiện nay sản lượng cà phê 20-25 năm tuổi chiếm tới 140.000 ha và diện tích này nếu không cải thiện sẽ tăng lên. Muốn được tái canh thì nhà nước phải hỗ trợ, nhất là về mặt lãi suất bởi người nông dân trồng cà phê phải mất 5 năm đầu tiên để gặt hái sản phẩm trong khi đó, tuổi thọ cây cà phê là 20-25 năm. Ông Đễ đề nghị, cần phải hỗ trợ cung ứng vốn để người nông dân có được tái tạo, bởi đối với người trồng cà phê, gần như 3 năm đầu không thể thu hồi vốn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cũng cần phải xem xét trách nhiệm về phía doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc kết nối với người nông dân và với vùng sản xuất. Chỉ có quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nông dân sản xuất thì mới đảm bảo được sự chủ động của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu cũng như chiến lược kinh doanh.

Thanh Nga

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *