Tiền và Hàng 21/02/2015 13:22

Tết tăng giá là bình thường, sao gọi là ‘chặt chém’?

Đòi hỏi giá dịch vụ ngày Tết phải giống y như những ngày thường chính là đang đòi hỏi một sự… bất công!

ây là quan điểm của một bạn đọc xung quanh chuyện tăng giá dịch vụ trong những ngày tết Ất Mùi. PLO xin gửi tới bạn đọc và mong nhận được nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này.

***

Những ngày tết Ất Mùi này, mở báo nào ra tôi cũng thấy đập vào mắt mình là những tin bài về nạn “chặt chém” ngày tết. Dường như tâm lý chung là ai cũng “oán” những người bán hàng, cung cấp dịch vụ đã lợi dụng cơ hội ngày lễ tết để móc túi thiên hạ không tiếc tay.


Dịp tết, nhiều bãi giữ xe tự phát mọc lên thỏa mái "chặt chém" người gửi.

Nhưng tôi lại có suy nghĩ hơi khác. Theo tôi, đòi hỏi giá dịch vụ ngày Tết phải giống y như những ngày thường chính là đang đòi hỏi một sự… bất công!

Tôi không cho rằng những người ấy đang “chặt chém” vô lương tâm mà họ chỉ đang đòi được trả đúng công sức lao động cũng như giá vốn của hàng hóa, dịch vụ họ bỏ ra trong những ngày rất đặc biệt này mà thôi. 

Rõ ràng đây là những ngày mà cả nước, từ cán bộ công chức viên chức tới người lao động trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều được nghỉ tết với kỳ nghỉ cộng gộp lên đến 9 ngày. Trong khi mọi người mọi nhà được nghỉ ngơi, ăn tết, chơi tết thật thoải mái, thì họ - những người bán hàng, cung cấp dịch vụ phải nai lưng ra phục vụ thượng đế.

Tâm lý của ta thường cho là những người buôn bán nhỏ ấy (ví dụ bán giải khát, hàng ăn uống, giữ xe, sửa xe, rửa xe, nhà nghỉ… ) lấy công làm lời chứ không tính ngày công cụ thể như làm nhà nước, làm doanh nghiệp. Nhưng nguyên lý là lao động thì phải được trả công. Tiền công lao động trả cho ngày làm việc bình thường và ngày nghỉ lễ cũng khác nhau chứ không thể đánh đồng cho nhau được.

Ngay Bộ luật lao động hiện hành cũng quy người lao động làm thêm vào ngày nghỉ lễ được trả lương (tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm) ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.

Chưa kể, giá nguyên liệu đầu vào, giá thuê nhân công trong những ngày lễ này cũng tăng đột biến so với ngày thường. Như vậy, nếu những người buôn bán nhỏ không nghỉ ngơi ăn Tết mà bỏ sức lao động phục vụ “thượng đế” trong những ngày Tết này thì chúng ta có trả thêm cho họ một ít tiền so với ngày thường cũng là điều nên chấp nhận trong vui vẻ. Chúng ta không nên kêu qua quá nhiều về việc tăng giá này.

Tuy nhiên, việc tăng giá phải có căn cứ chứ không thể tăng vô tội vạ. Ví dụ với tôi một tô phở bình thường phải trả 25 ngàn đồng thì ngày tết tôi chấp nhận trả gấp rưỡi mà không phàn nàn. Trên mức này có nghĩa là họ đang “chém” (mà cách đơn giản nhất để không bị “chém” là phải hỏi giá kỹ càng trước khi sử dụng dịch vụ để đưa ra lựa chọn).

Điều quan trọng nữa là chúng ta chỉ chấp nhận giá dịch vụ hàng hóa nhích lên trong dịp tết và qua tết phải trở lại với mặt bằng giá trị thực chứ không để thiếp lập nên một mặt bằng giá mới. Và để thực hiện điều này chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trần Khánh Linh (Phường 12, TP Vũng Tàu)

***

Trên đây là quan điểm cá nhân của bạn đọc Khánh Linh. Thế còn quan điểm của bạn thế nào về việc tăng giá dịch vụ dịp lễ tết? Theo bạn, tăng bao nhiêu so với ngày thường là hợp lý? Hãy gửi ý kiến của mình ngay dưới phần bình luận dưới bài viết này.

Theo Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *