Tiền và Hàng 04/07/2018 15:37

Nước ngoài đòi tăng tuổi máy móc cũ vào Việt Nam, Bộ KH&CN phản đối quyết liệt!

Trước hàng loạt kiến nghị đòi tăng tuổi đời máy móc cũ được nhập khẩu vào Việt Nam từ 20 năm lên 25 năm của Nhóm công tác về Đầu tư & Thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã phản biện mạnh mẽ.

Đừng biến Việt Nam thành "bãi rác công nghệ thế giới"!

Cụ thể, tại phiên đối thoại chính sách của VBF sáng 4/7, Nhóm công tác của VBF đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN giữ nguyên Thông tư 23/2015TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, đồng thời "đòi" tăng tuổi đời công nghệ, máy móc cũ được vào Việt Nam lên 25 năm thay vì 20 năm như hiện nay.

20180704_112331
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2018 tổ chức tại Hà Nội ngày 4/7.

Trước quan điểm của doanh nghiệp ngoại, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: Dự thảo sửa đổi Thông tư 23 của Bộ KH&CN nhằm ủng hộ DN tiến hành sản xuất, nhập khẩu máy móc cũ dây truyền với điều kiện thiết bị đó đúng tiêu chuẩn, còn sử dụng tốt. Bộ KH&CN không ủng hộ việc nhập khẩu, thương mại hóa máy móc, dây chuyền cũ vào Việt Nam.

Quan điểm của chúng tôi là, dù Việt Nam là nước có công nghiệp chưa phát triển, nhưng chúng tôi không phải bãi thải công nghiệp của thế giới. Chúng tôi mong muốn tận dụng thế mạnh công nghệ xanh, thân thiện với môi trường giúp công nghệ ấy phát triển ở thị trường Việt Nam.

Ông Tùng dẫn chứng, trong thời gian qua, rất nhiều hoạt động nhập khẩu rác công nghệ, máy móc núp bóng dưới hình thức tạm nhập tái xuất về Việt Nam, chủ hàng sau đó bỏ trốn nên Việt Nam phải xử lý đống rác thải máy móc, công nghệ này.

"Rất nhiều container nhập khẩu về Việt Nam không rõ sản phẩm gì, không đúng tên công ty. Khi mở ra đó là sản phẩm máy móc, công nghệ cũ thuộc danh mục cấm nhập, được xem là rác thải công nghiệp ở Việt Nam. Như vậy, có người lợi dụng đưa rác, thiết bị chưa xử ý môi trường về Việt Nam.

Thông tư 23 sửa đổi và ban hành trong thời gian tới, quan điểm là ủng hộ các nhà sản xuất, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nhập các dây truyền phù hợp với mình và trình độ của mình, đưa nhà máy vào Việt Nam, các trang thiết bị đó còn đảm bảo hiệu suất, công suất làm việc.

Tăng tuổi máy móc cũ lên 25 năm thay vì 20 năm.

Trước đó, bà Orsolya Grove, đại diện Nhóm Công tác Đầu tư & Thương mại VBF cho rằng: Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23 về việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng chưa phải là một bước cải thiện đối với các quy định rắc rối hiện hành.

Theo Nhóm công tác của VBF, dự thảo mới mở rộng các hạn chế đối với một số loại mặt hàng tạm nhập tái xuất. Cụ thể, Thông tư 23 chỉ hạn chế chỉ áp dụng đối với việc tạm nhập, tái xuất nhưng Dự thảo Thông tư mới đang mở rộng hạn chế về tuổi thiết bị đến các loại hình tạm nhập tái xuất khác.

"Nếu Dự thảo được thay thế hoạt động tạm nhập, tái xuất phục vụ triển lãm, hội nghị, tập huấn và cho một số mục đích nhất định khác sẽ phải chịu những hạn chế tương tự", bà Orsolya nói.

Theo bà này, quy định mới của phía Việt Nam "sẽ gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện công việc kinh doanh của mình vì doanh nghiệp không cần phải tạm nhập máy móc/thiết bị mới cho triển lãm, hội nghị, tập huấn".

Trưởng Nhóm công tác trên khẳng định: Với việc đưa ra Dự thảo trên Chính phủ Việt Nam đang tạo gánh nặng cho hoạt động của doanh nghiệp bằng cách ép họ phải thu xếp nhiều nguồn lực tài chính hơn cho những hoạt động không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Cùng với đòi hỏi giữ nguyên các quy định tại Thông tư 23 hiện này, Nhóm công tác của VBF kiến nghị nâng yêu cầu về tuổi thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam lên 25 năm, thay vì 20 năm như hiện nay.

"Về thực tiễn, máy móc/thiết bị, đặc biệt là những máy móc/thiết bị theo tiêu chuẩn của các nước G7, có thể được thiết kế và duy trì vận hành tốt mặc dù đã trên 20 năm", bà Orsolya nói.

Nguyễn Tuyền

banner_chan-bai
 
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *