Tiền và Hàng 25/12/2013 08:00

Giá bia “nhấp nhổm” tăng chờ Tết

Tết là thời điểm “vàng” cho các nhà sản xuất đồ uống làm ăn. Có phải vì lẽ đó, cứ đến cận tết giá các mặt hàng này luôn leo thang? Măc dù chưa vào cao điểm thị trường tết nhưng gần đây, theo khảo sát của phóng viên, giá một số loại bia liên tục nhích lên, thiết lập mặt bằng giá mới và có dấu hiệu bị găm hàng, làm giá.

 

Cứ tết là tăng

 

Đứng đầu bảng về sự nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội tăng giá là các hãng bia Tiger, Heineken… Theo đó, tại các đại lý, giá thứ đồ uống này đang lần lượt tăng 8-10%.

 

Một đại lý bia (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang bán bia của Hãng Heineken với giá 380.000 đồng/thùng.

 

Trong khi đó, bia Tiger cũng cán mức 285.000 đồng/thùng. Vẫn cung cách làm ăn cũ, các đại lý cho biết, nếu khách hàng muốn đặt mua bia đến cận ngày giáp tết mới lấy thì phải trả hết tiền trước. Nếu đến cận ngày lấy hàng thì sẽ tính giá tại thời điểm đó. Điều này ngầm hiểu rằng, giá bia càng cận tết sẽ càng lập đỉnh mới.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi đại lý đều có mức tăng giá bia khác nhau. Như cùng loại bia Heineken có nơi bán 365.000 đồng/thùng, có nơi bán 370.00-380.00 đồng/thùng. Bia Tiger, Hà Nội cũng có những mức giá khác nhau. Tại các siêu thị, giá bia luôn cao hơn các đại lý ngoài thị trường.

 

Giá bia hiện đang có mức tăng trên dưới 10% dù chưa vào cao điểm

 

Lý giải về sự tăng giá này, các đại lý đều lý đều cho biết: Do hàng tết đã ra thị trường từ tháng 11, trong khi nhà máy đã ngưng sản xuất bia tết. Do đó nguồn hàng khan hiếm, những nhà phân phối trữ lượng lớn nếu thấy thị trường hút hàng thì sẽ đẩy giá lên cao.

 

Tuy nhiên, theo thông tin từ các nhà phân phối Heineken, giá cả hãng này vẫn ổn định. Cụ thể như Heineken khoảng 365.000 đồng/thùng, chỉ có bia Tiger tăng 7.000 đồng/thùng hồi tháng 12 nên giá lên 280.000 đồng/thùng.

 

Người Việt uống bia quá nhiều?

 

Dù kinh tế suy thoái, GDP giảm sút, ngành bia vẫn tăng trưởng đều đặn với mức 10%/năm. Điều này cho thấy, người Việt càng ngày uống bia càng nhiều.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng bia các loại trong tháng 11/2013 ước đạt 273,9 triệu lít, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt trên 2,67 tỉ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 490,9 triệu lít, tăng 9,4%; bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt trên 1,19 tỉ lít, tăng 5,7%. Bộ Công Thương cũng cho biết, theo thực tế báo cáo của các doanh nghiệp lớn, sản lượng bia sẽ cán mốc 2,9-3 tỉ lít đến hết năm nay, tốc độ tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia toàn quốc năm nay sẽ vào khoảng 10%.

 

Ông Lê Bá Cơ, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dự báo nếu giữ tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện nay thì đến năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong nước sẽ đạt 3,3 tỉ lít; năm 2015 khoảng 3,6 tỉ lít. Mức tăng trưởng dự báo này thực tế chưa đạt mốc dự báo của Bộ Công Thương trong quy hoạch phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát đến năm 2010, tầm nhìn năm 2015.

 

Theo dự báo của quy hoạch này, đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2-4,4 tỉ lít bia, bình quân 45-47 lít/người/năm. 10 sau đó, mức bình quân mỗi người Việt tiêu thụ bia sẽ đạt 60-70 lít/năm.

 

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, hiện bộ này đang trình dự thảo sửa đổi quy hoạch phát triển ngành công nghiệp rượu - bia - nước giải khát. Tuy nhiên, tổng sản lượng đề ra đến năm 2015 không thay đổi nhiều so với dự thảo cũ, vẫn nằm ở mức ít nhất là 4 tỉ lít. Bộ đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành bia như hiện nay là khá hợp lý vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo sản lượng bia đạt 4,2-4,4 tỉ lít vào năm 2015 là hợp lý vì thời điểm xây dựng quy hoạch ngành, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao và rất lạc quan. Hiện tại, khi GDP không thể vượt quá 5-6% và dự báo chưa có khả năng tăng mạnh trong 1-2 năm tới thì mức tăng trưởng sản xuất bia như hiện nay dù không đạt quy hoạch đề ra nhưng vẫn chưa cân đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế.

 

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất bia sẽ đem lại cả mặt lợi cũng như hại cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Cái hại là nếu sa đà vào “nhậu nhẹt”, người Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc phát sinh nhiều bệnh tật, giảm tuổi thọ, đáng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an toàn giao thông và các vấn đề trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình…

 

TS Nguyễn Minh Phong đề xuất nếu tận dụng kinh nghiệm và năng lực sản xuất bia sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể định hướng ngành công nghiệp bia trong nước thành ngành cung cấp sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Hiện Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đứng đầu thị phần bia nội địa với khoảng 1,3 tỉ lít/năm, chiếm 40% tổng sản lượng toàn quốc; Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với sản lượng khoảng 700 triệu lít/năm, chiếm 20%; còn thương hiệu nước ngoài Heineken với 5 nhà máy sản xuất tại Việt Nam chiếm 20% thị phần. “Hiện Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều bia, sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước là chủ yếu, thậm chí bỏ ngỏ thị phần không nhỏ cho doanh nghiệp ngoại khai thác, trong khi doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đầu tư để đẩy mạnh ngành này hơn nữa và hướng ra xuất khẩu. Đây là định hướng cần được kích thích để không lãng phí thế mạnh sẵn có” - ông Phong đề xuất.

 

Thông tin từ Hiệp hội Bia - Rượu Nước giải khát Việt Nam cho biết, dù ảnh hưởng kinh tế khó khăn nhưng mục tiêu mà Hiệp hội đưa ra năm 2013 toàn ngành sản xuất 2,9 tỉ lít bia. Hết tháng 11/2013, các doanh nghiệp đã sản xuất được trên 2,67 tỉ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ cho nên việc duy trì sản lượng trong tháng 12 khoảng 270.000-280.000 lít là khả thi nên cả năm sẽ đạt khoảng 2,95 tỉ lít bia các loại là có thể.

Theo Thảo Nguyên

Năng lượng mới

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *