Thời sự 01/12/2018 15:50

Doanh nghiệp nông nghiệp chịu quản lý theo kiểu "một cổ nhiều tròng"

Một doanh nghiệp nông nghiệp đang phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và địa phương với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Riêng về kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có khoảng 300 văn bản được ban hành, thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau.

Đó là lý do khiến số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay, cả nước có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Doanh nghiệp nông nghiệp chịu quản lý theo kiểu "một cổ nhiều tròng"

Nếu tính cả doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp lĩnh vực khác có đầu tư vào nông nghiệp, cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp, chiếm khoảng 8% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Nếu xét theo lĩnh vực, trong số các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay, 50% là trong lĩnh vực nông nghiệp, 35% trong lĩnh vực thủy sản và 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, quá trình hình thành và phát triển của một doanh nghiệp nông nghiệp trải qua nhiều giai đoạn với nhiều hoạt động khác nhau, từ đăng ký doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng đến giải quyết phá sản doanh nghiệp. Quá trình này chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và địa phương với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thậm chí trong một số trường hợp chỉ là công văn, hướng dẫn hoặc thông báo.

Riêng về kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có khoảng 300 văn bản được ban hành, thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau.

Cùng với, cách thức quản lý nhà nước của các bộ ngành chưa hiện đại, còn dựa vào cách quản lý tiềm kiểm, tính ổn định của văn bản pháp luật chưa cao, trung bình khoảng 8-10 năm là phải sửa, điều chỉnh một lần.

TS. Cung ví dụ hiện nay, nhiều DN sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap ít ảnh hưởng đến môi trường nhưng vẫn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Theo ông, chính quyền địa phương nhiều nơi đang quá tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hơn là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các địa phương đều quy hoạch các khu công nghiệp và có chính sách hỗ trợ hạ tầng điện, nước, giao thông đến hàng rào doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Nhưng chưa có nhiều địa phương ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kể cả nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp nông nghiệp gặp phải là khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng), tìm kiếm nguồn vốn và do biến động chính sách, pháp luật...

Bà cho rằng: Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về nguồn vốn, lãi suất, thuế mềm dẻo và linh hoạt đối với từng chương trình dự án cụ thể.

Đặc biệt, để doanh nghiệp đóng vai trò bà đỡ để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp, đại diện Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất xây dựng Luật Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *