Thời sự 07/11/2020 09:21

Đầu tư phương Tây vào Việt Nam chỉ bằng 1/3 vốn của Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nước phương Tây đứng đầu là Đức, Pháp, Anh, Hà Lan... vào Việt Nam chỉ bằng chưa đầy 1/3 vốn của Trung Quốc và vùng lãnh thổ của nước này ở Việt Nam.

Cụ thể, tổng lượng vốn của bốn nước châu Âu lớn kể trên đầu tư vào Việt Nam đến tháng 9/2020 đạt hơn 19,6 tỷ USD, trong khi đó vốn của Trung Quốc đại lục, đặc khu Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan vào Việt Nam đã đạt trên 79 tỷ USD.

Đầu tư phương Tây vào Việt Nam chỉ bằng 1/3 vốn của Trung Quốc - 1

Vốn phương Tây vào Việt Nam chỉ bằng 1/3 vốn của Trung Quốc và đối tác

Vốn của châu Âu hiện nhiều nhất là Hà Lan với hơn 10,3 tỷ USD, Anh và Pháp lần lượt là 3,6 tỷ USD, còn Đức chỉ vỏn vẹn 2,1 tỷ USD.

Suất đầu tư bình quân/dự án của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng khá thấp, Pháp chỉ gần 6 triệu USD/dự án, Đức là hơn 2,1 triệu USD, Anh là 8,9 triệu USD, cao nhất là Hà Lan với 28 triệu USD/dự án.

Một điểm chung là dù vốn nhỏ, nhưng các nhà đầu tư châu Âu thường vào Việt Nam bằng đầu tư vốn trực tiếp, hoặc đầu tư mới, rất ít đổ vào các hình thức đầu tư gián tiếp qua mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp.

Dù Mỹ là nước xuất khẩu tư bản lớn song vốn đầu tư vào Việt Nam rất thấp, chỉ hơn 9,4 tỷ USD/1.000 dự án, bình quân chỉ 9,4 triệu USD/dự án. Con số thấp so với nhiều kỳ vọng trước đó khi Việt Nam và Mỹ ký nhiều hợp tác kinh tế quan trọng và đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2006.

Trong số các nước phương Tây đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, phải nhắc đến thiên đường thuế BritishVirginIslands - vùng lãnh thổ thuộc Anh, luôn lọt top 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Vốn bình quân mỗi dự án, suất đầu tư khá lớn, gần 26 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng).

Với số vốn từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan của nước này, tính đến hết tháng 9/2020, có sự gia tăng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục trước đây yếu thế hơn so với các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Đài Loan khi đổ bộ vào Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây sự gia tăng nhanh chóng về lượng vốn nên họ đã dần thu hẹp khoảng cách và có thể đuổi kịp.

Cụ thể, tính đến tháng 9/2020, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ số vốn lớn 21,3 tỷ USD vào Việt Nam, cho 3.000 dự án, trong khi đó, các nhà đầu tư của đặc khu Hồng Kông là hơn 24,8 tỷ USD cho 1.900 dự án, các nhà đầu tư Đài Loan là hơn 33,2 tỷ USD, cho hơn 2,700 dự án khác nhau.

Quy mô vốn của các nhà đầu tư từ Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu Hồng Kông ở mức trung bình. Vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc trung bình chỉ 7,1 triệu USD/dự án, của Đài Loan là 12 triệu USD và của Hồng Kông là 13 triệu USD/dự án.

Một điểm dễ thấy là thời gian qua vốn từ Trung Quốc và vùng lãnh thổ nước này gia tăng vào Việt Nam với tốc độ cao. Cụ thể, vốn Trung Quốc đại lục luôn gia tăng vài trăm triệu USD mỗi năm khi vào Việt Nam.

Năm 2016 các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ có 1,8 tỷ USD ở Việt Nam, nhưng năm 2017 là 2,1, năm 2018 là 2,4 và năm 2019 đã tăng lên hơn 4 tỷ USD ở Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2020, khi vốn các nhà đầu tư Đài Loan, Hồng Kông giảm ở Việt Nam, vốn các nhà đầu tư từ Trung Quốc lại có xu hướng tăng cao hơn.

Cụ thể, vốn các nhà đầu tư Đài Loan, Hồng Kông chỉ lần lượt ghi nhận từ 1,2 đến 1,3 tỷ USD ở Việt Nam thì vốn các nhà đầu tư Trung Quốc là 1,8 tỷ USD.

Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu là ở lĩnh vực góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp và vốn cấp mới ở quy mô nhỏ và vừa. Các lĩnh vực vốn tăng thêm khá ít, chủ yếu giữ quy mô.

Đây là thực tế cần quan tâm bởi quy mô vốn nhỏ, không tăng thêm và chủ yếu đổ vào mua bán cổ phần, cổ phiếu sẽ khiến không gia tăng quy mô trong các ngành, lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam mà kéo theo đó là vấn đề sở hữu doanh nghiệp thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

Dù Việt Nam tham gia nhiều hiệp định, hợp tác cũng như mở cửa nền kinh tế hoặc có lợi tức/vốn lớn, song đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ vẫn chỉ giới hạn khá nhỏ hẹp ở một số lĩnh vực như công nghệ cao, tài chính, bất động sản công nghiệp nặng, năng lượng... Trong khi đó, các ngành như chế biến nông lâm thủy sản, dệt may, nông nghiệp vẫn... vắng bóng.

An Linh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *