Thời sự 03/09/2014 11:00

BIDV "coi nhẹ" ảnh hưởng của Thông tư 02

FICA - Theo ACBS, minh bạch về vấn đề nợ xấu chứ không phải công bố một con số lợi nhuận đẹp là những gì mà nhà đầu tư đang cần ngân hàng làm hiện tại.

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BID) đã tổ chức họp các chuyên viên phân tích. Hầu hết các câu hỏi cho thấy vấn đề nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng tại thời điểm hiện tại. 

Trong báo cáo gửi nhà đầu tư, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, câu trả lời của BID không thực sự trấn an cho các lo lắng về các chỉ số. Theo đó, trong cơ cấu cho vay của BID, có 22% là doanh nghiệp nhà nước và 16% là cho vay cá nhân. BID cũng công bố rằng tỷ trọng cho vay bất động sản cuối tháng 6/2014 chiếm 6% trên tổng dư nợ. 

Ngoài ra, về chất lượng tín dụng, theo báo cáo của BID, ngân hàng đã bắt đầu phân loại nợ dựa trên Thông tư 02 và tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý II/2014 ở mức 2,4%. Ngân hàng cũng có nợ tái cơ cấu nhưng số lượng không đáng kể. Vì vậy, theo ngân hàng, Thông tư 02 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. 

Trong 6 tháng/2014, ngân hàng đã bán 1,9 nghìn tỷ đồng nợ gốc cho VAMC và nhận lại 1,7 nghìn tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2014 kế hoạch ở 13,8%, tương tự với năm 2013. 

Theo quan sát của ACBS, câu trả lời về ảnh hưởng của Thông tư 02 của BID là tương đối khác biệt với VCB, khi ngân hàng này tính toán tỷ lệ nợ xấu có thể tăng gấp đôi lên 5% bởi vì Thông tư này. Chú ý rằng hai ngân hàng này sở hữu cơ cấu tín dụng tương tự nhau, đều có tỷ trọng cho vay DNNN khá lớn. Bên cạnh đó, năng lực quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng Việt Nam cho đến nay là tương đối còn non trẻ và đồng đều nhau. Vì vậy, ACBS vẫn tin rằng BID sẽ ghi nhận chi phí dự phòng tăng cao trong nửa sau 2014, ở mức 9 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ). 

"Minh bạch về vấn đề nợ xấu chứ không phải công bố một con số lợi nhuận đẹp là những gì mà nhà đầu tư đang cần ngân hàng làm hiện tại" theo ACBS. Trên quan điểm rằng BID sẽ cố gắng hết sức mình để giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt, ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2014 và 2015 tại 5,4 nghìn tỷ đồng và 5 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 2% giảm 8% so năm 2013). 

"Ngân hàng, trên thực tế, có thể không trích lập nhanh như chúng tôi kỳ vọng, và triển vọng cho sự phục hồi tại ngân hàng vì thế cũng có thể sẽ diễn ra chậm hơn những ngân hàng có sự tích cực hơn." - theo ACBS.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *