Quốc tế 11/07/2014 21:21

Thứ trưởng Ngoại giao trả lời phỏng vấn thời báo Slovenia

FICA - Tờ Thời báo (Dvenik) của Slovenia số ra ngày 9/7 đã dành trọn trang đăng bài phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhân chuyến thăm Slovenia.

Sẽ ký thỏa thuận hợp tác kinh tế vào cuối năm

Trong bài phỏng vấn, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm của Thứ trưởng đến Slovenia nhằm mục đích thúc đẩy và làm sâu sấc hơn mối quan hệ giữa hai nữa. Trong đó, nội dung quan trọng là chào mừng kỷ niệm 20 năm quan hệ song phương với các đồng nghiệp Slovenia và tiến hành tham vấn chính trị. 

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hiện hai nước đang làm việc trên ba lĩnh vực chính. Đầu tiên là về hợp tác chính trị. Theo đó, nhất trí khuyến khích trao đổi đoàn ở các cấp độ khác nhau giữa hai nước. Nếu không thể có các chuyến thăm cấp cao song phương thì sẽ phối hợp để sắp xếp các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cao bên lề hội nghị đa phương. Gần nhất, vào cuối năm nay tại hội nghị thượng đỉnh ASEM, hai bên có thể dàn xếp cho cuộc gặp của các nhà lãnh đạo hai nước. 

Thứ hai, về hợp tác liên khu vực, Việt Nam hiện là nước điều phối viên của quan hệ ASEAN-EU và cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao hai khối sẽ được tổ chức tại Brussels vào cuối tháng này. Việt Nam đang làm việc với Liên minh châu Âu và cũng như Slovenia để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU nói chung và giữa Việt Nam và Slovenia nói riêng. Trong số đó, có nội dung hỗ trợ nhau trong việc phê chuẩn Hiệp định PCA giữa Việt Nam và EU.

Về hợp tác kinh tế, tập trung vào tương quan và khả năng bổ trợ cho nhau giữa kinh tế Việt Nam và Slovenia. Hai bên nhất trí rằng sẽ sớm ký Thỏa thuận hợp tác kinh tế vào cuối năm nay, theo đó sẽ thiết lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế để đề xuất và xem xét tất cả các dự án hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. 

"Chúng tôi đã đồng ý bắt đầu đàm phán về tránh đánh thuế hai lần. Hiệp định này tạo thuận lợi cho đầu tư giữa Việt Nam và Slovenia. Nhiều khả năng vào tháng 10 hoặc 11/2014, Thứ trưởng Bộ trưởng Công Thương Việt Nam sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm các doanh nghiệp đến Slovenia và ký thỏa thuận hợp tác kinh tế", Thứ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Thứ trưởng cho biết, hai bên cũng sẽ tiến hành hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và hợp tác du lịch. Trong đó, hai bên có thể bắt đầu xem xét một thỏa thuận về hợp tác du lịch để quảng bá du lịch cho cả hai bên và cũng để hợp tác đào tạo và tăng cường năng lực trong lĩnh vực này.

Tiếp tục tìm kiếm hỗ trợ quốc tế và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan

Thứ trưởng cũng cho biết, tại cuộc họp với phía Slovenia, Thứ trưởng đã thông tin cập nhật cho các đồng nghiệp Slovenia về tình hình khu vực, nhất là các hành động đơn phương của Trung Quốc trong khu vực nói chung và đặc biệt là ở Biển Đông. 

Theo Thứ trưởng, gần đây nhất, ngày 2/5, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan vào sâu vào thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi. Đồng thời, đây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và DOC, một thỏa thuận với các nước ASEAN mà Trung Quốc đã phá bỏ. Điều này làm tổn hại quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước đến nay. 

Thứ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam vẫn kiềm chế và đã cố gắng trao đổi với phía Trung Quốc hơn 35 lần để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, cũng để thảo luận và kiềm chế sử dụng các lực lượng quân sự và tìm giải pháp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc vẫn không đáp ứng thiện chí của Việt Nam.

Việt Nam đánh giá cao quan điểm và tuyên bố của EU, cũng như Slovenia mà bà Ashton đã đưa ra vào ngày 08/05/2014. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm hỗ trợ quốc tế và lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như trước ngày 02 tháng 5.

Không có tiến bộ nào sau chuyến thăm của Dương Khiết Trì

Khi được phóng viên Slovenia hỏi về việc gần đây đã có một phái viên đến thăm Hà Nội có tiến bộ nào không, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, kể từ khi có phái viên Trung Quốc đến Việt Nam, vẫn không có tiến bộ nào.

"Thậm chí ở vị trí giàn khoan Trung Quốc còn cử thêm nhiều tàu, bao gồm tàu quân sự, tiếp tục sử dụng tàu lớn của họ để đâm vào tàu đánh cá của chúng tôi, tiếp tục dùng vòi rồng để bắn vào tàu của chúng tôi. Tất nhiên các giàn khoan vẫn còn đó. Chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu Trung Quốc phải rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam", Thứ trưởng cho biết.

Chiến lược nào cho một hàng xóm to lớn?

Đối với câu hỏi về chiến lược của Việt Nam là gì và làm thế nào để một nước nhỏ như Việt Nam, khi so với Trung Quốc, có thể đối phó với hàng xóm to lớn, mạnh mẽ như vậy, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam coi vấn đề chủ quyền là thiêng liêng. 

Là một quốc gia nhỏ, Việt Nam chủ trương sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề. Việt Nam tiếp tục chú trọng xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với nhân dân Trung Quốc. 

"Trong trường hợp đặc biệt này, chúng tôi chỉ sử dụng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả các biện pháp pháp lý. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ sự toàn vẹn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982", ông Sơn nhấn mạnh. 

Theo Thứ trưởng, những tiếng nói như vậy là một tín hiệu tốt trong việc phản đối động thái đơn phương gây căng thẳng, gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong vùng biển Đông. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực mà còn cả các nước châu Âu, nơi mà 2/3 vận chuyển hàng hóa container của châu Âu đều đi qua khu vực Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam có đầy đủ tài liệu bằng chứng hỗ trợ về mặt pháp lý yêu sách của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nhìn nhận thế nào về tương lai của ASEAN?

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, ASEAN đã ra đời và tồn tại hơn 40 năm nay.Việt Nam gia nhập vào năm 1995. ASEAN đang hướng đến hoàn thành xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 gồm 3 trụ cột: Cộng đồng kinh tế, văn hóa xã hội và chính trị-an ninh. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã gặp nhau năm ngoái để xem xét quá trình và kết luận rằng khoảng 80% các hoạt động xây dựng cộng đồng ASEAN đã được hoàn thành. Vào cuối năm 2015, phần còn lại sẽ được hoàn thành, khi đó hàng hóa và người dân sẽ di chuyển trong khu vực dễ dàng hơn, giống như ở châu Âu một thời gian dài trước đây.

"Chúng tôi sẽ tạo ra nền tảng chung với hơn 600 triệu người và khoảng 2,3 nghìn tỷ USD tổng GDP. Điều này sẽ tạo ra một động lực tốt cho hợp tác của ASEAN với các khu vực khác.Nhưng ASEAN vẫn còn xa về mức độ hội nhập so với châu Âu và đang chỉ là cơ chế hợp tác liên chính phủ", Thứ trưởng cho biết.

Phương Dung

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *