Quốc tế 17/11/2013 14:18

Thế giới khan hiếm... toilet

FICA - Số người có điện thoại di động trên thế giới hiện nay còn nhiều hơn số người được tiếp cận nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Ngày Quốc tế nhà vệ sinh sắp đến gần (19/11). Đây là ngày kêu gọi các quốc gia và mọi cộng đồng dân cư quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng nhà vệ sinh cũng như bảo đảm mọi điều kiện vệ sinh phục vụ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường sống.

Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động rằng hiện nay có 2,5 tỷ người không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản và nguy cơ một cuộc khủng hoảng sức khỏe trầm trọng gây chết người có thể xảy ra. Thậm chí số người có điện thoại di động trên thế giới (6 tỷ người) còn nhiều hơn số người được tiếp cận nhà vệ sinh đạt chuẩn (4,5 tỷ người).

Giáo sư William Moomaw nghiên cứu các chính sách môi trường quốc tế tại đại học Tufts cảnh báo: "Đây là vấn đề sống còn cho những người không được dùng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Sự lây lan các bệnh như dịch tả và sốt phát ban sẽ bùng phát khủng khiếp trong tương lai không xa.".

Ở đâu thiếu nhà vệ sinh nhất?

Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2015, các quốc gia thiếu thốn các điều kiện vệ sinh cơ bản nhất bao gồm châu Phi cận Sahara với chỉ 31% dân cư có nhà vệ sinh đầy đủ, Nam Á với 36%, châu Đại Dương và các đảo nhiệt đới của Thái Bình Dương với 53%. Cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn lao động và nguồn lực khan hiếm là những rào cản cho các quốc gia này cải thiện tình hình.

Thiếu thốn các nhà vệ sinh buộc người dân phải đại tiểu tiện ở ngoài trời, tại các sông hồ, gần những nơi vui chơi của trẻ con hay gần những nơi chế biến thức ăn. Tổ chức Sức khỏe thế giới thống kê hiện có 1,1 tỷ người trên thế giới đại tiểu tiện bừa bãi, trực tiếp ra môi trường. Ước tính mỗi phút có 1,1 triệu lít nước thải đổ vào sông Hằng, Ấn Độ.

Điều này làm tăng nguy cơ về các bệnh tiêu chảy, tả lỵ thương hàn, viêm gan siêu vi A. Tổ chức Y tế thế giới ước tính tại mỗi thời điểm bất kì, dân số thế giới liên tục tăng thì một nửa trong số đó có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nguồn nước bẩn và vệ sinh môi trường kém. Ở châu Phi, mỗi giờ có 115 người chết do nguyên nhân trên.

Bị ảnh hưởng nặng nhất là trẻ em. Tại các nước đang phát triển, bệnh tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em nhiều thứ 2 sau bệnh hô hấp. Khoảng 2.000 đứa trẻ bị chết mỗi ngày do vệ sinh kém và sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, theo Unicef.

Còn theo giáo sư Christiana Peppard nghiên cứu về lĩnh vực thần học, khoa học và đạo đức tại Đại học Fordham, phụ nữ là đối tượng cũng có nguy cơ mắc bệnh cao do vệ sinh không đúng cách. Bà cho biết nhiều người phụ nữ thường đợi cho đến nửa đêm mới "giải quyết" chuyện vệ sinh tại các cánh đồng do họ sợ bị tấn công tình dục nếu đại tiểu tiện ở "thiên nhiên" vào ban ngày.

Bà cũng cho biết thêm vì vấn đề không có nhà vệ sinh tại các trường học mà rất nhiều cô gái trẻ đã quyết định không đi học.

Ngoài vấn đề về sức khỏe con người, vấn đề kinh tế cũng là một điều đáng bàn. Ngân hàng thế giới (WB) cho biết sự thiếu hụt điều kiện vệ sinh thích hợp đã làm tiêu tốn 260 tỷ USD mỗi năm do chi phí sức khỏe và cải tạo môi trường.

Giải pháp hỗ trợ: Hệ thống bẫy với giá...chưa đến 2 USD

Việc xây dựng các nhà vệ sinh đủ đáp ứng cho lượng dân số đông đảo trên thế giới là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, song song với đó có một vấn đề cũng quan trọng không kém là đảm bảo các nhà vệ sinh hiện tại có điều kiện tốt, trong đó, đặc biệt xử lý các bệnh do côn trùng mang đến những nơi như này.

Vệ sinh môi trường là một ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nghiên cứu cho thấy cải thiện vệ sinh làm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong do bệnh tiêu chảy.

Công ty đường ống dẫn nước American Standard đã nhận khoản tiền trợ cấp khổng lồ từ Qũy hỗ trợ Bill và Melinda Gates để phát triển một dự án ở Bangladesh, trong đó xây dựng các hệ thống bẫy với giá chưa đến 2 USD để giữ cho nhà vệ sinh không có bệnh do côn trùng mang lại. Các hệ thống bẫy này đã đạt hiệu quả rất tốt, được hưởng ứng và mở rộng tại Bangladesh và sắp được áp dụng tại Bắc Mỹ.

Việc rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh là phương pháp hiệu quả mà đơn giản, giúp làm giảm 45% các trường hợp tiêu chảy.

Đầu tư cho vệ sinh môi trường là một kênh đầu tư lời. ước tính với mỗi 1 USD đầu tưu vào cải thiện vệ sinh môi trường thì sẽ thu lại trung bình 9 USD lợi nhuận.

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nhắm đến 75% dân cư trên thế giới sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn vào năm 2015. Chi phí để đạt được cột mốc này khoảng 14 tỷ USD mỗi năm.

Quỳnh Hoa
Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *