Quốc tế 13/02/2014 08:14

Thái Lan và cái giá phải trả đằng sau quyết định trợ giá gạo

FICA - Nông dân giận dữ biểu tình vì không được thanh toán, lúa gạo tồn kho chất cao như “núi”, chính phủ bị cáo buộc tham nhũng và không thể chi trả…đang là những hậu quả nhãn tiền mà chính phủ Thái Lan phải hứng chịu sau chính sách trợ giá lúa gạo bất cập.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong việc chèo lái nước mình ra khỏi một khoảng trống về chính sách được tạo ra bởi một cuộc tổng tuyển cử đầy hỗn loạn hồi đầu tháng này.

Nông dân Thái Lan giận dữ biểu tình vì bị nợ tiền lúa gạo
Nông dân Thái Lan giận dữ biểu tình vì bị nợ tiền lúa gạo
 

Một chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi, trong đó gạo của nông dân được mua cao hơn giá thị trường tới 50%, từng giúp bà Yingluck dễ dàng lên nắm quyền năm 2011, nay dường như đang khiến chính phủ của vị nữ thủ tướng đau đầu.

Các nhà phê bình cho rằng chương trình này đã dung túng cho những vụ tham nhũng khổng lồ, làm kiệt quệ ngân sách, khiến Thái Lan mất vị thế quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu và khiến lượng gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn.

Mới đây, hàng trăm nông dân đã đổ về Bangkok để biểu tình, yêu cầu được thanh toán sau khi chính phủ cạn kiệt tiền mặt để mua số gạo theo cam kết từ cuối năm ngoái, khiến cho áp lực càng đè nặng lên vai bà Yingluck, người vốn đã phải đối diện với những cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng trời của phe đối lập.

Trong ngày hôm qua, nội các của bà Yingluck đã chi trả gần 22 triệu USD cho khoảng 3900 nông dân, nhưng khoản tiền trên sẽ phải đợi sự phê chuẩn của Ủy ban bầu cử, một minh chứng rõ ràng cho sự căng thẳng về chính sách mà nước này đối mặt.

Theo Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI), đến này khoảng 1 triệu nông dân Thái Lan đang bị nợ tiền, và chính phủ sẽ cần phải huy động tới 3,6 tỷ USD để thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình với nông dân.

Thái Lan từng có ý định bù lại số tiền đã chi ra để trợ giá cho nông dân bằng cách tích trữ gạo, hòng đẩy giá thế giới đi lên. Thế nhưng họ đã không thể tìm được người mua, sau khi những nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ hay Việt Nam bất ngờ tăng mạnh lượng xuất khẩu.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo, trong năm nay nước này chỉ xuất được 7,5 triệu tấn, giảm hơn 30% so với năm 2011.

“Toàn ngành gạo Thái Lan đã đổ vỡ và danh tiếng mà họ có được trên thị trường thế giới, với tư cách một nhà cung cấp gạo chất lượng tốt, ổn định đã biến mất”, Ammar Siamwalla, nhà phân tích của TDRI khẳng định.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang trong thế mắc kẹt
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang trong thế mắc kẹt
 

Đến nay, chính phủ Thái Lan vẫn chưa tiết lộ con số chi phí chính xác của chương trình này, nhưng TDRI cho rằng nó đã tiêu tốn từ 4,6 - 6 tỷ USD, khoảng 6-8% ngân sách của nước này.

Đảng Puea Thai hiện vẫn bác bỏ việc chính phủ cạn tiền, và bảo vệ chương trình này như một nỗ lực nhằm giúp nông dân Thái Lan thoát nghèo.

Bà Yingluck thì đổ lỗi cho phe đối lập, những người làm gián đoạn cuộc bầu cử ngày 2/2, đã khiến chính phủ tạm quyền của bà bị giảm năng lực huy động vốn.

Cho đến khi các cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức tại hàng chục điểm bầu cử bị biểu tình gây gián đoạn, quốc hội Thái Lan sẽ không có đủ số nghị sỹ cần thiết để nhóm họp và bổ nhiệm một chính phủ mới, ngay cả khi đảng của bà Yingluck thắng cử.

“Chúng tôi đang nỗ lực để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất có thể…nhưng các ngân hàng sẽ không phê duyệt các khoản vay”, bà Yingluck cho biết hôm 11/2. “Tình hình tài chính và tiền tệ của chính phủ vẫn tốt”.

Một thỏa thuận bán 1 triệu tấn gạo dự trữ cho một công ty quốc doanh Trung Quốc mới đây đã đổ vỡ sau khi một ủy ban chống tham nhũng tuyên bố điều tra đối với một số quan chức chính phủ có liên quan đến chương trình này.

Bản thân bà Yingluck cũng bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) điều tra về khả năng lơ là trách nhiệm trong triển khai chính sách này - một động thái có thể đe dọa uy tín vị nữ thủ tướng.

Chính trị gia đối lập Warong Dechgitvigrom, người đã đệ đơn tố cáo tham nhũng lên NACC cáo buộc rằng, chương trình này đã khiến nhiều nhà máy chế biến gạo tăng cường mua vào gạo chất lượng dưới chuẩn từ Campuchia và Myanmar.

Warong còn tuyên bố có bằng chứng về những thương vụ giả mạo - nhằm thể hiện việc bán gạo cho chính phủ các nước khác - để giúp cho các công ty “ma” trong nước có thể mua gạo với giá rẻ từ chương trình này, sau đó bán lại trên thị trường trong nước, khiến ngân sách bị thiệt hại.

“Mọi khâu trong chương trình trợ giá gạo đều có tham nhũng”, Warong khẳng định với AFP. “Nông dân vẫn nghèo…xuất khẩu sụp đổ còn chất lượng gạo Thái Lan giảm sút. Tôi cho rằng chính phủ của bà Yingluck đã gần đến hồi kết”.

Cử tri tại các khu vực Đông Bắc, nơi chiếm 1/3 dân số Thái Lan, đã giúp chính phủ được hậu thuẫn bởi gia đình giàu có bà Yingluck đắc cử - lần đầu tiên năm 2001 dưới sự lãnh đạo của anh trai bà, ông Thaksin.

Việc không thể thanh toán cho nông dân sẽ xói mòn “căn cứ địa trung thành truyền thống đó”, Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu Viện Đông Nam Á tại đại học Chiềng Mai khẳng định.

Thanh Tùng
Theo AFP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *