Góc nhìn 29/08/2020 06:57

Giải ngân đầu tư công thấp: Trả lại ngân sách còn hơn cố làm dự án kém

Nếu dự án cố giải ngân theo tâm lý ‘tiền chùa tiêu cho hết’ sẽ dẫn đến tình trạng đội vốn.

Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế cao cấp

Gần 6.400 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước vừa được 9 bộ ngành và địa phương xin chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chuyển cho nơi khác. 

Việc trả lại vốn ngân sách cho Nhà nước khi cảm thấy dự án triển khai sẽ kém hiệu quả là việc rất đáng hoan nghênh. Điều này còn hơn là chúng ta cứ cố giải ngân trong khi hiệu quả kinh tế mang lại không xứng đáng. Đấy là chưa tính, nếu dự án cố giải ngân theo tâm lý ‘tiền chùa tiêu cho hết’ sẽ dẫn đến tình trạng đội vốn. Sẽ rất tồi tệ nếu cứ tiếp tục để xảy ra các dự án đội vốn.

Không riêng 9 bộ ngành này, tất cả những nơi khác nếu không dùng hết ngân sách, không nên cố tiêu. Theo tôi, điều này nếu tạo được tiền lệ càng tốt ở trong những năm tiếp theo.

Ngay cả lý do vì sao họ trả lại thì cũng không cần truy đến cùng về nguồn gốc, lý do. Có rất nhiều lý do, trong đó, tôi nghĩ điều mà các bộ ngành, địa phương trả lại ngân sách là vì họ thấy dự án nếu triển khai sẽ kém hiệu quả.

Có thể tính toán ban đầu có những điều chưa xác đáng, hoặc thay đổi theo điều kiện hiện nay, hoặc họ tính toán năng lực, điều kiện sẽ không đảm bảo kịp tiến độ trong năm 2020, hoặc có thể họ nhìn thấy nguồn vốn không đủ cho dự án, nếu muốn làm thì cần bổ sung. Như vậy việc trả lại ngân sách là đúng.

Chúng ta cũng không nên chỉ trích việc trả lại vốn đầu tư công là do nặng lực giải ngân kém, công tác thẩm định dự án có vấn đề mà cần nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Không nhất thiết phải giải ngân cho bằng được trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang có nhiều biến động, có nhiều nhu cầu khác lớn hơn cả trước mắt và dài hạn.

Công cuộc chống dịch trong thời gian qua đã ngốn một số tiền ngân sách rất lớn. Thu ngân sách năm nay sẽ giảm so với năm trước, bội chi ngân sách cao hơn, nợ công tăng lên, nên càng tiết kiệm được ngân sách thì càng tốt. Nếu như nguồn đầu tư công Nhà nước chưa đầu tư vội mà dồn lại được thì càng tốt.

Chúng ta phải thừa nhận là có rất nhiều dự án đầu tư công gây lãng phí, nguyên nhân là do công tác đánh giá ban đầu thiếu xác đáng. Dự án không thật sự cần thiết vẫn được phê duyệt theo kiểu ngành này được, ngành kia phải được, địa phương này có địa phương kia phải có, rồi đua nhau xin ngân sách. Đã có những thay đổi sau khi chúng ta ban hành Luật Đầu tư công, tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của việc đầu tư công và quản lý vốn đầu tư công vẫn đang còn có nhiều vấn đề cần được cải thiện.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cần tập trung vào việc quản lý vốn đầu tư công cho tốt, đánh giá với nhau một cách thẳng thắn. Cái gì chưa cần thì kiên quyết dừng lại và Nhà nước cần chủ động rà soát, thấy dự án nào chưa thật sự cấp bách, hiệu quả kinh tế hạn chế thì nên yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dừng lại để tập trung tiền vào những việc khác quan trọng hơn.

Không nên xem chỉ có đầu tư công mới là cứu cánh mới tạo ra sự tăng trưởng. Đầu tư công thực sự là cứu cánh chỉ khi hỗ trợ được cho sự phát triển chung của nền kinh tế, kể cả khu vực tư nhân. Còn bản thân khu vực đầu tư công chỉ có đóng góp một tỉ trọng nhất định trong tăng trưởng chứ không phải là tuyệt đối.

Cho nên những dự án nào không cần thiết thì nên hoãn lại để dồn nguồn lực, tạm cho vay đầu tư thêm vào doanh nghiệp tư nhân để vực nhau lên thì tốt hơn nhiều.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *