Dòng chảy vốn 19/06/2015 11:39

Thủ tướng: Việt Nam đã kiểm soát tốt vay và sử dụng nợ công

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, hiện nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn và khả năng trả nợ là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Phát biểu tại buổi tiếp Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề nợ công. Việc vay nợ là cần thiết và Việt Nam đã kiểm soát tốt việc vay và sử dụng nợ công. 

"Hiện nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn và khả năng trả nợ là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát”, Thủ tướng nói.

Trao đổi với ông Tomoyuki Kimura, Thủ tướng cho biết, Việt Nam vay nợ trong và ngoài nước là để đầu tư cho phát triển, chủ yếu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Nguồn vốn ODA cũng được Việt Nam quản lý và sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển, nhất là cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cho giảm nghèo và cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực. 

Về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, Thủ tướng cũng thừa nhận, dù đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2%, mục tiêu trong năm 5 tới từ 2015-2020 đạt 6,5%. 

Trước đó, thông tin về tình hình nợ công, Bộ Tài chính dự báo nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869 nghìn tỷ đồng, bằng 64% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP). Tính tới thời điểm hiện tại, theo phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chất vấn diễn ra tuần trước, tỷ lệ nợ công hiện đang ở mức 62% GDP. 

Bộ Tài chính cho rằng, từ năm 2008, cả thế giới đối mặt với khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái. Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại, cân đối ngân sách cùng lúc phải sắp xếp để thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng XI, nhiều Nghị quyết Trung ương và Quốc hội đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... dẫn đến vay nợ của Chính phủ bắt đầu tăng từ năm 2009.

Số liệu cụ thể cho thấy, tính đến cuối năm 2013, dư nợ công bằng 54,2% GDP và ước tính đến cuối năm 2014, dư nợ công khoảng 60,3% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).

"Các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam tiếp tục kéo dài kể từ năm 2010 đến nay, Chính phủ phải huy động một nguồn lực lớn thông qua phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, đồng Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2011 bị mất giá, bội chi ngân sách nhà nước tăng, cùng với việc đẩy nhanh giải ngân ODA đã làm cho dư nợ công tăng nhanh (2011 ở mức 50,0%GDP; 2012 ở mức 50,8%GDP;  2013 ở mức 54,2% GDP và năm 2014 ở mức 60,3% GDP)", Bộ Tài chính cho biết.

 Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *