Dòng chảy vốn 02/03/2015 10:56

Hàng tiêu dùng đang tăng giá yếu nhất trong hơn một thập kỷ

FICA - Chi phí nhiên liệu giảm đang làm giá cả trong lĩnh vực sản xuất giảm, và theo đó là tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng là yếu nhất kể từ năm 2001.

Hôm nay, ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 2.2015: "Sản lượng ngành sản xuất tăng tháng thứ mười bảy liên tiếp". 

Theo báo cáo của HSBC, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2, với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng nhanh hơn so với thời điểm đầu năm. Giá cả đầu vào tiếp tục giảm mạnh khi chi phí nhiên liệu giảm, và điều này đã giúp làm giá cả đầu ra tiếp tục giảm đáng kể.


Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index™ - PMI™) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng nhẹ từ mức 51,5 điểm trong tháng 1 lên 51,7 điểm trong tháng 2. Các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã tốt lên hàng tháng trong suốt một năm rưỡi vừa qua.


Số lượng đơn đặt hàng mới tại các công ty sản xuất ở Việt Nam đã tăng mạnh trong tháng 2, với tốc độ tăng mạnh hơn một chút so với tháng 1. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trong sáu tháng liên tiếp, với các thành viên nhóm khảo sát báo cáo nhu cầu khách hàng tăng lên, sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Ngược lại, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài năm tháng.


Lần tăng mới nhất của số lượng đơn đặt hàng mới đã làm sản lượng tiếp tục tăng và đây là lần tăng thứ 17 trong suốt 17 tháng qua. Như với số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ gia tăng sản xuất đã nhanh hơn so với thời điểm đầu năm.


Sản lượng cao đã giúp các công ty giải quyết lượng công việc tồn đọng trong tháng 2. Lượng công việc chưa thực hiện giảm mạnh tháng thứ hai liên tiếp.


Nhu cầu sản xuất lớn hơn đòi hỏi các công ty phải tăng số lượng công nhân và các hoạt động mua hàng. Số lượng nhân công đã tăng tháng thứ sáu liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng là chậm nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, mức tăng mua hàng hóa đầu vào trong tháng 2 đã kéo dài thời kỳ tăng hiện nay thành 18 tháng.


Chi phí nhiên liệu giảm là nhân tố chính làm giảm giá cả đầu vào của các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Tốc độ giảm là đáng kể, mặc dù vẫn yếu hơn so với mức kỷ lục của tháng trước. Vì giá cả đầu vào tiếp tục giảm, các công ty đã giảm giá cả đầu ra tương ứng. Giá cả đầu ra giảm tháng thứ năm liên tiếp, và với một mức độ đáng kể.


Thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 2 đã rút ngắn tháng thứ năm liên tiếp. Mức độ cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là khiêm tốn nhưng cũng là cao nhất kể từ tháng 9/2012. Các công ty cho rằng nguyên nhân rút ngắn thời gian giao hàng là yêu cầu đòi hỏi giao hàng nhanh hơn và các nhà cung cấp có đủ hàng trong kho. 


Mặc dù hoạt động mua hàng gia tăng, tồn kho hàng mua đã giảm tháng thứ hai liên tiếp vì hàng tồn kho đã được sử dụng trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, tồn kho hàng thành phẩm hầu như không thay đổi trong tháng 2 sau khi giảm nhẹ vào đầu năm. Những thành viên nhóm khảo sát báo cáo tăng hàng tồn kho sau sản xuất cho biết hàng thành phẩm đã nằm chờ giao hàng. Mặt khác, doanh số bán hàng cao giúp một số công ty giảm tồn kho hàng thành phẩm.


Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit nói: "Khi Việt Nam đón tết Nguyên đán, lĩnh vực sản xuất đã tiếp tục có những tin tốt trong tháng 2. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng nhanh hơn và các công ty cho rằng nguyên nhân nhu cầu khách hàng tăng là do giá cả cạnh tranh. Chi phí nhiên liệu giảm đang làm giá cả trong lĩnh vực sản xuất giảm, và theo đó là tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng là yếu nhất kể từ năm 2001".

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *