Dòng chảy vốn 10/04/2015 11:30

Doanh nghiệp Đà Nẵng từ chối ODA: Không lo mất lòng JICA

Việc doanh nghiệp từ chối vay nguồn vốn ODA, nhìn vào lãi suất chỉ là một phần, quan trọng là vay ODA phải nhìn điều kiện vay.

TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phân tích việc doanh nghiệp từ chối vốn vay nói chung, vốn ODA đều phải nhìn trên nhiều khía cạnh khác nhau. Quan trọng nhất là phải tính đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đó.

 

PV: Câu chuyện Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng từ chối nhận nguồn vốn ODA của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật) để mở rộng cảng Tiên Sa đã khiến dư luận rất quan tâm. Không chỉ có vậy, vị Tổng Giám đốc của công ty này còn tuyên bố sẽ từ chức nếu không huy động được vốn để mở rộng được cảng Tiên Sa giai đoạn 2. Ông có bất ngờ trước thông tin này không và vì sao?

 

TS Bùi Đức Thụ: - Tôi không có thông tin cụ thể về câu chuyện cụ thể này nên xin không có ý kiến.

 

Nhưng liên quan đến về vấn đề tổng thể thì phải xem hiệp định vay vốn ODA ở đây là gì, các điều khoản đi kèm ra sao.

 

Hiện cơ chế vay ODA có 2 loại. Thứ nhất là trên trung ương đàm phán vay để đưa vào bù đắp bội chi ngân sách nhà nước thì trung ương đàm phán trực tiếp. Còn phân cấp cho địa phương tìm nguồn để ký đưa về địa phương lại phụ thuộc vào cam kết của các tỉnh.

 

Chính vì vậy không biết các điều khoản ở đây sẽ được quy định như thế nào và để hưởng thụ ODA đó các điều khoản đi kèm là gì.

 

Nếu doanh nghiệp vay vốn ODA thì nhà nước phải bảo lãnh, doanh nghiệp sở hữu nguồn vốn và có trách nhiệm trả đúng hạn. Cho nên nếu doanh nghiệp đưa ra lý do lo trượt tỉ giá có thể xem xét được.

 

Nhưng có thể thấy, thông thường khi đàm phán cho vay nếu là ODA lãi suất cũng rất thấp chỉ 1-2% năm.

 

Trước đây đã có doanh nghiệp từ chối khi họ ký với Hàn Quốc. Khi đó phía bạn yêu cầu sẽ mang vật tư kỹ thuật sang nhưng với giá đặc thù và chuyên dụng, không có giá để so sánh cạnh tranh.

 

Chính vì thế giá trị vật tư tăng lên và doanh nghiệp không thể bảo tồn vốn. Chi phí đầu vào, nhập nguyên vật liệu quá cao nên doanh nghiệp này đã từ chối nhận.

 

Hay như dự án nước Phần Lan của Hà Nội cũng vậy. Họ cho vay ngoại tệ nhưng nếu cho Việt Nam được sử dụng đường ống chất lượng tương đương thì có thể sẽ làm được 2 đường ống như vậy.

 

Do vậy nhìn vào lãi suất chỉ là một phần, quan trọng là vay ODA phải nhìn vào điều kiện vay. Bởi có những nước cho vay nhưng đưa điều kiện rất khắt khe, ví dụ như nhà thầu của họ vào, đưa ra điều kiện cao (ví dụ có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đó 20 năm như vậy là tự nhiên loại hết nhà thầu trong nước. Thêm nữa họ đưa hết vật tư, nhà thầu vào thì không thể nào bảo toàn vốn được).

 

Phải xem quyền, trách nhiệm của bên đi vay được quy định như thế nào nữa.

 

Đã có nhiều dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA nhưng phải xem xét kỹ các điều khoản cho vay với từng dự án ra sao
Đã có nhiều dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA nhưng phải xem xét kỹ các điều khoản cho vay với từng dự án ra sao

 

PV: - Việc từ chối nguồn vốn vốn được xem là ‘ngon ăn’ nhất trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi huy động vốn cho dự án của mình đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp Đà Nẵng với món nợ tương lai con cháu phải gánh? Thưa ông, có ý kiến cho rằng, phẩm chất Đà Nẵng khiến cho Giám đốc Công ty CP Cảng Tiên Sa đưa ra quyết định đột phá này, ông có đồng tình hay không và vì sao?

 

TS Bùi Đức Thụ: - Đúng là vốn vay luôn là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp. Nhưng nếu vay được vốn ODA sẽ thấp hơn thương mại nhiều.

 

Nhưng như tôi đã nói xem xét điều kiện vay với từng dự án các điều khoản như thế nào là một yếu tố rất quan trọng.

 

Ở đây lợi nhuận và sự sống còn của doanh nghiệp đang được đặt lên hàng đầu.

 

PV: Về phía Đà Nẵng, khi từ chối vốn ODA, Đà Nẵng đã lường trước sẽ phải đối diện mới sự... mất lòng từ phía JICA. Điều này theo ông liệu có khiến Đà Nẵng gặp khó trong những dự án khác hay không và vì sao?

 

TS Bùi Đức Thụ: - Tôi nghĩ là lo mất lòng không đáng ngại bởi vì cũng là vốn vay đó họ không cho vay khoản này thì có thể cho vay ở khoản kia.

Về nghĩa vụ ODA các nước phát triển phải dành tỉ lệ % GDP nào đó cho các nước kém phát triển vay theo các điều ước quốc tế đã ký kết.

 

Còn việc cho vay nếu nước nào, địa phương nào quan hệ tốt thì họ sẽ cho vay. Cho nên chắc sẽ không có chuyện Đà Nẵng gặp khó trong các dự án khác.

 

PV: Ông có kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước dũng cảm từ chối vốn ODA như Công ty CP Cảng Tiên Sa không? Theo ông, động thái này có báo hiệu những tín hiệu tốt cho Việt Nam trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA không hay chỉ là những nỗ lực mang tính cá nhân?

 

TS Bùi Đức Thụ: - Tôi không mong nhiều doanh nghiệp từ chối bởi như vậy cũng không hẳn là tốt.

 

Chúng ta phải khai thác triệt để nguồn vốn trong nước, cải cách để thu hút các nguồn lực ngoài nước nhưng phải đa dang dạng dưới nhiều hình thức và lấy hiệu quả phát triển là mục tiêu hàng đầu.

 

Nhưng tôi cho rằng nếu đã chấp nhận vốn vay thì đồng vốn ấy phải mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và cho đất nước này.

 

Còn nếu đem vốn vào nhưng với giá cắt cổ, lãi suất thấp nhưng đưa ra điều kiện, tính chi phí thực để trả cho nguồn vốn quá cao thì đất nước này nguy cơ không trả nợ được và doanh nghiệp đó sẽ chết.

 

Nếu khoản vay đó mà do nhà nước bảo lãnh rồi phải trả thay thì nợ công sẽ ùn lên, nghĩa vụ trả nợ dự phòng khi đó sẽ tăng và mất an ninh tài chính.

 

Cho nên cần phải tính toán để có thể sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn dù đó là vay ở phương diện nào.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *