Dòng chảy vốn 20/01/2014 17:15

Bộ Tài chính gửi "tráp" cho 19 tỉnh có CPI vượt mức chung cả nước

FICA - Bộ Tài chính đề nghị UBND 19 tỉnh, thành phố này phải triển khai các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi 19 tỉnh, thành phố, về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 tại địa phương. 19 địa phương gồm: Bình Dương, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Điện Biên, Đà Nẵng, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Nam Định, Long An, Đắc Lắc, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bình Phước. Đây là 19 địa phương có mức tăng CPI năm 2013 cao hơn mức tăng CPI chung của cả nước.

Công văn nêu rõ trong năm 2013, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước năm 2013 chỉ tăng 6,04%. Tuy nhiên, CPI năm 2013 tại 19 địa phương này lại có mức tăng cao hơn mức tăng CPI chung của cả nước.

Do đó, để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2014 khoảng 7% đã được Quốc hội thông qua, trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá, Bộ Tài chính đề nghị UBND 19 tỉnh, thành phố nêu trên quan tâm chỉ đạo yăng cường và triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết, tạo đà thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2014.

Triển khai các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương; đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí trái pháp luật.

Thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết, thời điểm nhạy cảm, thiên tai, bão lũ trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến bất hợp lý tại địa phương.

Theo dõi sát diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tại địa phương, đồng thời coi CPI là chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng để có phân tích, đánh giá mức độ và nguyên nhân biến động hàng tháng, hàng quý, hàng năm trong chương trình kiểm điểm công tác, quản lý điều hành tại địa phương, trên cơ sở đó đề ra biện pháp điều hành phù hợp tránh để chỉ số giá tăng quá cao.

Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền; trường hợp điều chỉnh giá nhất là giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục (nếu có) phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao đột biến, gây tác động dây chuyền đến giá hàng hóa, dịch vụ khác và mặt bằng giá chung.

Chỉ đạo làm tốt công tác thu thập, thống kê giá hàng hoá, dịch vụ nhằm phản ánh chính xác diễn biến tình hình giá cả thị trường trong quá trình tính chỉ số giá tiêu dùng tại địa phương, tránh việc thu thập giá không phù hợp hoặc thu thập vào thời gian cao điểm, cá biệt (lễ, Tết) sẽ phản ánh không đúng mức tăng chỉ số giá.

Chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhất là khi có sự thay đổi về cơ chế, chính sách hoặc khi có điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, điều tiết giá để tạo sự đồng thuận, tránh tác động tâm lý gây tăng giá dây chuyền đến các hàng hoá, dịch vụ khác trên địa bàn, đẩy CPI của địa phương và cả nước tăng cao.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *