Doanh nghiệp 09/01/2014 17:08

Vạn Thịnh Phát lớn cỡ nào?

FICA - Nếu so sánh riêng về vốn điều lệ, vốn của Vạn Thịnh Phát lớn hơn 2 đại gia bất động sản trên sàn là Vingroup (9.296 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai (7.182 tỷ đồng). So với các ngân hàng, vốn của Vạn Thịnh Phát chỉ thua 4 ông lớn Nhà nước.

Bà Trương Mỹ Lan được trao huy hiệu TPHCM cho cá nhân người Hoa xuất sắc dịp Tết Tân Mão.

(Nguồn: Ban dân tộc TPHCM)

Vạn Thịnh Phát, công ty có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng và sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản lớn tại TPHCM nhưng lại ít khi được báo chí đề cập. Tập đoàn này mới được nhắc nhiều đến sau khi hôn lễ của ca sĩ Thanh Bùi và bà Trương Huệ Vân - cháu gái đời thứ 4 của gia tộc họ Trương.

Tuy nhiên, hôm qua, tên tập đoàn này lại một lần nữa được hâm nóng tại phiên tòa xử cựu Đại tá - Phó Giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng.

Liên quan đến Vạn Thịnh Phát, bản án của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ghi nhận: Về lời khai của Dương Chí Dũng, Dũng khai thêm đã đưa cho đồng chí Thượng tướng Phạm Quý Ngọ 20 tỷ đồng để tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm Chủ tịch được thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn.

Theo giới thiệu, Vạn Thịnh Phát được  bà Trương Mỹ Lan - một doanh nhân người Hoa thành lập năm 1992 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Hiện, bà Lan là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong khi một thành viên gia tộc họ Trương là bà Trương Mỹ Linh là Tổng giám đốc.

Nếu so sánh riêng về vốn điều lệ, Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ lớn hơn 2 đại gia bất động sản trên sàn là Vingroup (9.296 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai (7.182 tỷ đồng). So với các ngân hàng, vốn điều lệ của Vạn Thịnh Phát chỉ thua 4 ông lớn Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV.

Lĩnh vực hoạt động ban đầu của Vạn Thịnh Phát là thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập CTCP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và CTCP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam và CTCP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản

Hai dự án nổi bật nhất đã đưa vào khai thác của Vạn Thịnh Phát là khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence. An Đông là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam do nhà đầu tư tư nhân đầu tư và quản lý đạt tiêu chuẩn 5 sao với gồm 400 phòng, trung tâm thương mại, các nhà hàng, phòng hội nghị sức chứa đến 1.800 người. Trong khi đó, Sherwood Residence gồm 240 căn hộ, trong đó có 12 căn penthouse.

Một dự án đình đám khác là tổ hợp Times Square tại mặt tiền tại 2 con đường đắt đỏ nhất TPHCM là Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, quận 1. Đây là cao ốc phức hợp 39 tầng gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ.

Vạn Thịnh Phát còn sở hữu các trung tâm thương mại Thuận Kiều, trung tâm dịch vụ văn phòng Vạn Thịnh Phát cao 15 tầng tại TPHCM, các nhà hàng Cafe Central Nguyễn Huệ, Hữu Nghị và Đức Bảo và hàng loạt các dự án khác...

Ngoài ra, Tập đoàn này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn VIPD - đơn vị đã chi 470 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng) để mua lại tháp Vincom Centre A tại TPHCM từ Vingroup.

Windsor Plaza Hotel. Ảnh: NL

 

Sherwood Residence. Ảnh: NL

Times Square. Ảnh: NL

 

Thục Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *