Doanh nghiệp 05/01/2014 07:39

Thực chất thoái vốn ngoài ngành của EVN, Petrolimex

Tính đến thời điểm cuối tháng 9 tổng số vốn đầu tư ngoài ngành gần 21.800 tỷ đồng, nhưng số vốn đã được thoái trong hai năm qua chưa đạt 20%, tương ứng với 4.164 tỷ đồng.

Trong đó, EVN mới thoái vốn tại 2 đơn vị trong 6 đơn vị bắt buộc phải thoái với 2% và 5,25% ngoài ra EVN cũng tiến hành thoái vốn và bàn giao quyền điều hành tại các công ty đang niêm yết tuy nhiên việc này còn mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty “mẹ” và “con”.

Thoái vốn từ "mẹ" sang "con"
 
Cho đến đầu tháng 12, thông tin về số vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước mới được hé lộ. Theo ông Lê Hoàng Hải - phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm cuối tháng 9 tổng số vốn đầu tư ngoài ngành gần 21.800 tỷ đồng, nhưng số vốn đã được thoái trong hai năm qua chưa đạt 20%, tương ứng với 4.164 tỷ đồng.
 
Trong số các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn đầu khi đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng vào chứng khoán, tài chính, bất động sản….
 
Theo đề án, tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) phê duyệt, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại 6 đơn vị, trong đó có 3 công ty trong ngành tài chính và 3 công ty thuộc lĩnh vực bất động sản: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ; CTCP Chứng khoán An Bình (ABS); CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC); CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina (LandSaiGon); CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVNLand); CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC).
 
Vừa qua, EVN đã thông báo bán 25,2 triệu cổ phần, tương đương 5,25% vốn Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho một cổ đông lớn khác của ABBank là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cp, bằng giá gốc và giúp EVN thu về 252 tỷ đồng.
 
Sau khi bán cổ phần ABBank, EVN vẫn còn nắm giữ hơn 76,8 triệu cổ phiếu ABBank, tương đương 16,02% vốn điều lệ ngân hàng. Với 16,02% vốn điều lệ, EVN vẫn là cổ đông lớn thứ 2 tại ABBank, chỉ sau ngân hàng Maybank của Malaysia với tỷ lệ sở hữu 20%.
 
EVN đã hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu GIC sang Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng.
 
EVN cũng tiến hành thoái vốn và bàn giao quyền điều hành tại các công ty đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán.
 
Theo thống kê của Vietstock, tính đến thời điểm giữa tháng 12/2013, EVN đã bàn giao tại một số đơn vị thuộc lĩnh vực điện đang niêm yết như PPC , BTP , TMP , VSH và TBC . Tuy nhiên việc này còn mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty “mẹ” và “con”.
 
Cụ thể, ngày 17/09, EVN đã thoái hết 36,341,500 cp TMP của Thủy điện Thác Mơ, tương đương tỷ lệ 51.92% vốn cho Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco2).
 
Qua tháng 10, EVN thoái vốn tại Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) bằng việc bán toàn bộ 48,123,557 cổ phiếu BTP, tương đương tỷ lệ sở hữu 79.56%. Đối tác nhận mua số chứng khoán này là Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3).
 
Đến tháng 11, toàn bộ hơn 166 triệu cổ phiếu PPC tương ứng 51% vốn được EVN chuyển nhượng thành công cho EVN Genco2. Và mới đây nhất ngày 12/12, EVN chuyển giao hơn 63 triệu cp VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (30.55% vốn) và hơn 19 triệu cp TBC của Thủy điện Thác Bà (30% vốn) cho EVNGenco3.
 
Các công ty như EVN Genco2, EVN Genco3 đều là những công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ và chỉ mới được thành lập trong vòng 1 năm trở lại đây.
 
Kế hoạch năm 2014, EVN sẽ thoái vốn tiếp ở Ngân hàng An Bình với khối lượng tương tự bên cạnh rút dần khỏi các công ty kinh doanh bất động sản miền Trung, Sài Gòn và lập kế hoạch để thoái vốn EVNFC (Công ty tài chính Điện lực) 25%.
 
Chuyển đổi mô hình nâng cấp, đổi tên
 
Theo lộ trình tới năm 2015, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex sẽ thoái vốn ở những lĩnh vực ngoài ngành như ngân hàng và bảo hiểm, giảm tỷ lệ này xuống còn dưới 20%.
 
Trả lời báo chí trước đó, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị Petrolimex cho biết, giá trị cổ phiếu của những doanh nghiệp ngoài ngành mà Petrolimex đang nắm giữ đều cao hơn mệnh giá rất nhiều. Giá không phải là vấn đề đối với các doanh nghiệp thuộc Petrolimex và khi bán chúng tôi tin chắc rằng giá sẽ cao hơn mệnh giá rất nhiều.

“Việc thoái vốn cũng sẽ tùy từng lĩnh vực. Ví dụ như doanh nghiệp bảo hiểm Pjico mà Petrolimex hiện đang nắm giữ trên 51%, đây là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bảo hiểm và đang phát triển tốt; nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao phải thoái? Nhưng đây là chủ trương của nhà nước và chúng tôi phải chấp hành. Tỷ lệ sở hữu đối với doanh nghiệp này sẽ không được quá 30% vốn điều lệ, chúng tôi sẽ phải tính toán để hài hòa mọi lợi ích”,  ông Bảo nói.
 
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu mới dừng lại ở chuyển đổi mô hình khi Tập đoàn đã nâng cấp và đổi tên một số đơn vị như Công ty cổ phần bảo hiểm PJICO thành Tổng công ty CP bảo hiểm PJICO, Công ty Gas Petrolimex – Công ty CP thành Tổng công ty gas Petrolimex – CTCP và Công ty CP Hóa dầu Petrolimex thành Tổng công ty Hóa đầu Petrolimex – CTCP.
 
Trước đó, sự việc liên quan đến tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trong thời gian vừa qua cũng từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…
 
Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỷ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỷ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỷ đồng.
 
Đối với các khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước, đến nay Vinashin, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu đợt 1.
 
Theo đó, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi được 13.152 tỷ đồng. Khoản nợ sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm.

 

Theo Hà Oanh

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *