Doanh nghiệp 01/11/2014 11:07

SHB lấy ý kiến cổ đông sáp nhập với công ty tài chính Vinaconex - Viettel

FICA - Thời gian dự kiến thực hiện trong tháng 11/2014.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel. Thời gian dự kiến thực hiện trong tháng 11/2014.

Trước đó, báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình chiều 29/9 cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận để Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Hiện SHB cũng đã chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến việc phát hành cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập công ty tài chính. Việc sáp nhập với một công ty tài chính nhằm mục đích trở thành một trong số những ngân hang thương mại bán lẻ hang đầu tại Việt Nam trong tương lai.

VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tương đương 47,6 triệu USD, trong đó Vinaconex sở hữu 33% và Viettel sở hữu 21%. Cả hai tập đoàn này đều đang có kế hoạch thoái vốn khỏi VVF.

Làn sóng ngân hàng mua lại công ty tài chính đã được các ngân hàng bắt đầu tiến hành từ đầu năm nay. Theo đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã mua lại 100% Công ty TNHH Một thành viên tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF). HDBank mua lại 100% vốn của SGVF, một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam trong năm 2013.

NHNN cũng chấp thuận mặt chủ trương Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua lại Công ty Tài chính Hóa chất.

Mới đây, NHNN công bố dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trong đó có quy định, ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dung cho các đối tượng khác hàng phi chuẩn thì bắt buộc phải thành lập công ty tài chính.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, hiện nay, hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại và công ty tài chính đan xen lẫn nhau. Ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay trả góp để mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình, cho vay tiền mặt phục vụ đời sống,... 

Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng đối với phân khúc khách hàng phi chuẩn, trong thời gian qua một số ngân hàng thương mại đã và đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.

Việc cho phép tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước mua lại công ty tài chính để chuyển đổi thành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu công ty tài chính, một mặt, đáp ứng được nhu cầu thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại, mặt khác, thúc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi ngân hàng.


Với xu hướng chuyển đổi hoạt động sang cấp tín dụng tiêu dùng, thực tế hiện nay và trong tương lai sẽ có nhiều ngân hàng thương mại có nhu cầu thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *