Nguyên Liệu 10/06/2014 07:45

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 1.180 tỷ đồng

Trong văn bản báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính cho biết đến thời điểm 30-4-2014, số dư Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu còn hơn 1.180 tỷ đồng.

Trong đó, ước tổng trích Quỹ từ 1-4-2014 đến 30-4-2014 là gần 396 tỷ đồng. Ước tổng chi Quỹ từ 1-4-2014 đến 30-4-2014 là gần 58 tỷ đồng.

Trước đó, theo công bố của Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG tại thời điểm hết quý I-2014 là hơn 842 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư lớn nhất là 649.359 triệu đồng; Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội số dư Quỹ BOG là 154.705 triệu đồng; Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ là 108.984 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigonpetro) là 100.000 triệu đồng… Đứng đầu danh sách DN có số Quỹ âm thời điểm này là Tổng Công ty Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) có số Quỹ âm là 145.834 triệu đồng; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm 42.504 triệu đồng; Công ty Cổ phần lọc hóa đầu Nam Việt có số Quỹ âm 30.171 triệu đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm có xu hướng tăng và dao động ở mức cao. Để giảm tác động tới giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao để chia sẻ hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp; Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm thời chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở của một số mặt hàng xăng dầu; và cho phép sử dụng Quỹ BOG.

Trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà nước- người dân và doanh nghiệp, trong trường hợp yêu cầu giữ nguyên giá bán dù giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ thì cùng với việc doanh nghiệp tạm ngừng trích khoản lợi nhuận định mức, thì việc tăng/giảm mức trích vào quỹ, tăng/giảm mức sử dụng quỹ đã góp phần giữ giá xăng dầu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Về cơ chế sử dụng Quỹ, theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ BOG vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước, theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ. Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành; và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ Tài chính- Công Thương có công văn chỉ đạo doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ BOG. Mức sử dụng Quỹ phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới phức tạp, trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu, việc sử dụng Quỹ BOG trong 9/11 lần điều hành cũng đã góp phần giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước.Giá một số chủng loại xăng dầu chỉ được điều chỉnh tăng 3 lần (21-2; 19-3 và 22-4) nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ BOG.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực tế đã chứng minh, Quỹ BOG là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ BOG. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP để xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trong đó có Quỹ BOG.

Được biết, Bộ Tài chính đã chính thức công khai tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ BOG xăng dầu kể từ đầu tháng 7-2013.

 

Theo Báo Hải quan

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *