Doanh nghiệp 09/07/2014 14:59

Dược Hậu Giang "nhắm" tới thị trường 60 triệu dân Myanmar

FICA - Dược Hậu Giang dự kiến đầu tư khoảng 91 tỷ đồng (4,3 triệu USD) vào công ty địa phương để sản xuất các sản phẩm y tế. Dự kiến đến năm 2015 sẽ xây nhà máy tại Myanmar.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, bà Phạm Thị Việt Nga - Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã: DHG) cho biết, DHG hiện đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sang thị trường Myanmar trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều quy định chặt chẽ hơn về sản phẩm kháng sinh ở trong nước.

Theo bà Nga, tại Myanmar, hiện DHG đang đàm phán với một công ty địa phương để thành lập công ty liên doanh. DHG dự kiến đầu tư khoảng 91 tỷ đồng (4,3 triệu USD) vào công ty này để sản xuất các sản phẩm y tế tương tự như các sản phẩm hiện đang được bán tại Việt Nam. Sau khi thỏa thuận đạt được, DHG dự kiến sẽ xây một nhà máy ở Myanmar vào năm 2015.

Vị CEO của công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam đánh giá, Myanmar giống như Việt Nam cách đây 10-15 năm, thậm chí còn có thể phát triển nhanh hơn. Hiện tại Myanmar có nhiều ưu đãi dành cho các công ty dược do ở Myanmar không có nhiều công ty thuộc lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc hợp tác với một doanh nghiệp địa phương cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DHG.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong tương lai, bà Nga cho biết, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh số bán ra các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ 8% tổng doanh thu lên mức 15% trong 5 năm tới. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 25% mỗi năm trong 5 năm tới. Trong năm 2013, DHG đạt doanh thu 3.530 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.

Trên bình diện chung, Myanmar được coi là "miền đất hứa" với nhiều doanh nghiệp ngoại bởi nhiều tiềm năng phát triển. Hiện Myanmar cũng rất muốn thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. Hiện nước này có 60 triệu dân nhưng chỉ mới có 5 nhà máy sản xuất dược và chỉ có 250 DN nhập khẩu và phân phối thuốc.

Trao đổi với báo chí, bà Than Than Sein, đại diện Hiệp hội y tế Myanmar cho hay, nhu cầu thuốc, trang thiết bị y tế và dịch vụ y tế tại Myanmar tăng lên rất nhanh. Dự kiến, thị trường này sẽ tăng 10-15% trong vòng 5 năm tới. 

Theo bà Than Than Sein, thị trường dược phẩm Myanmar sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai và đây là thời điểm rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh kinh doanh tại Myanmar. Hơn nữa, đầu tư, kinh doanh tại Myanmar, DN Việt Nam còn có cơ hội vươn tới một thị trường 2 tỷ người tiêu dùng. Bởi Myanmar có chung biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ và Asean. Đến năm 2015, khi Cộng đồng chung Asean được hình thành, cơ hội của doanh nghiệp càng lớn.

Được biết, hiện có 5 nước xuất khẩu dược và trang thiết bị y tế hàng đầu đến Myanmar là: Ấn Độ, Thái lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia. Bà Than Than Sein hy vọng, Việt Nam sẽ là một trong những nước xuất khẩu dược hàng đầu sang Myanmar thời gian tới.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *