Doanh nghiệp 05/02/2015 15:39

Đàm phán mua nợ của Vinalines đang bế tắc

Sau khi đàm phán xong với 2 trong số 22 tổ chức tín dụng là chủ nợ của Vinalines thì việc đàm phán đang rơi vào bế tắc.

Theo thông tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Vinalines và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã ký thỏa thuận về việc DATC sẽ đứng ra mua lại một số khoản nợ của các ngân hàng thay cho Vinalines.

 

Cụ thể, theo Báo cáo tổng kết năm 2014 của DATC, năm 2014, DATC đã đàm phán mua nợ thành công hai khoản nợ của Vinalines tại VCB (tổng giá trị khoảng 381 tỉ đồng) và tại HSBC (khoảng 63 tỉ đồng) với giá trị mua lại rất thấp, xấp xỉ khoảng 30% tổng giá trị các khoản nợ.

 

Nhưng với mức mua lại quá thấp, với giá 20% giá trị trên sổ sách, nên quá trình đàm phán của DATC với các ngân hàng nước ngoài như Natixis (Pháp), May Bank (Malaysia), Việt Á Bank, Oceanbank, Bangkok Bank với giá trị sổ sách các khoản nợ khoảng gần 2.000 tỉ đồng, đang rơi vào bế tắc.

Trong số này, khoản nợ tại Natixis là lớn nhất với tổng nợ gốc và lãi khoảng hơn 1.102 tỉ đồng, là giá trị mà ngân hàng Pháp cho Vinalines vay để mua hai con tàu những năm trước.

 

Trong khi, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines đã từng nhận định: “Giải pháp thông qua công ty mua bán nợ mua lại các khoản nợ của Vinalines và Tổng công ty nhận nợ lại từ DATC với giá thấp có tính khả thi cao".

 

Trước đó, ngày 15/1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng vừa công bố báo cáo sản xuất kinh doanh. Theo đó, tổng nợ vay của công ty mẹ tại 22 tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2014 khoảng 11.100 tỷ đồng, trong đó hơn 7.000 tỷ dư nợ tại các ngân hàng thương mại và tổ chức trong nước, 2.300 tỷ nợ nước ngoài. Số còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

 

Việc đàm phán mua nợ của Vinalines đang bị bế tắc

Việc đàm phán mua nợ của Vinalines đang bị bế tắc

 

"Con số cập nhật đến cuối năm của công ty mẹ đã giảm đi chừng 1.700 tỷ, dư nợ tính đến hết năm 2014 còn hơn 9.000 tỷ đồng”, nguồn tin từ Vinalines cho biết.

 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp, Vinalines sẽ không đủ tiền để trả cho DATC nếu không được sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa lần đầu, mà trước mắt là khoản gần 700 tỷ từ IPO các cảng biển.

 

Vì vậy, trong báo cáo cuối năm gửi Bộ GTVT, Tổng công ty tiếp tục xin giữ lại toàn bộ nguồn tiền thu được từ bán cổ phiếu lần đầu khi tiến hành cổ phần hóa các đơn vị thành viên và công ty mẹ để cơ cấu các khoản nợ cũng như tạo nguồn cho DATC thực hiện mua nợ.

 

"Đây là giải pháp có lợi cho Vinalines vì khó nhất với họ lúc này là dòng tiền để khôi phục sản xuất, nhất là khi thị trường đang có dấu hiệu hồi phục. Điều này sẽ giúp họ "tự bơi" nhiều hơn thay vì phải dùng đến biện pháp phát hành trái phiếu hoán đổi nợ như từng áp dụng với Vinashin", một chuyên gia ngân hàng bày tỏ.

 

Đặc biệt, trong thời gian tới, Vinalines sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nếu theo đề án tái cấu của Tổng công ty thì sẽ phải duy trì một đội tàu tương đối mạnh, làm nòng cốt cho vận tải biển của Quốc gia. Tuy nhiên, thực tế, toàn bộ đội tàu 21 chiếc hiện tại của Vinalines lại đang phải đối mặt với tình trạng càng hoạt động càng thua lỗ. 

 

Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cũng đã cho biết, Vinalines sẽ nhanh chóng bán các con tàu hoạt động không hiệu quả. Khoản tiền thu được sẽ tập trung để xử lý các khoản nợ đã vay khi đầu tư tàu. Hiện tại, Vinalines đang tiếp tục đàm phán với các ngân hàng trong nước và quốc tế.

“Một số khoản sẽ được hoán đổi, một số khoản chúng tôi thanh toán bằng tiền từ việc xử lý tài sản đó”, ông Sơn cho hay.

 

Theo Thái Linh (Tổng hợp)

Đất Việt

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *