Doanh nghiệp 25/07/2021 17:41

Bộ trưởng KH&ĐT: Việt Nam có 870.000 doanh nghiệp nhưng 97% là nhỏ và vừa

Hiện nay có 870.000 doanh nghiệp nhưng mà có 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh của chúng ta rất thấp, năng lực đã yếu nhưng sức cạnh tranh lại thấp, trong khi đó chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng đã giảm mạnh.

Chiều nay (25/7), trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã thông tin về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và hướng tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng nhiều hạn chế yếu kém vẫn cần phải tập trung xử lý trong 6 tháng cuối năm nay.

Thách thức lớn nhất hiện nay là phải phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm, đây là việc là rất khó khăn. Nhập siêu của chúng ta đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít của thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI còn cao. Các thị trường tài chính bất động sản, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro.

Sắp xếp và cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Giá cả một số mặt hàng cơ bản lại tăng. Gia tăng khả năng lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội. Khả năng đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng chiến lược phát sinh của nước ta còn gặp nhiều thách thức. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng vắc xin còn thấp.

"Nguy cơ có thể lỡ nhịp so với nền kinh tế thế giới vì chúng ta không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc xin" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết tình hình giải ngân đầu tư công còn chậm. 

97% doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là nhỏ và vừa (Ảnh: Bá Đoàn). 

Ở khối doanh nghiệp, ông Dũng cho biết thu hút nguồn vốn FDI, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế đang giảm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về tình hình của các doanh nghiệp hiện nay, ông Dũng thông tin: Hiện nay có 870.000 doanh nghiệp nhưngcó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh của chúng ta rất thấp, năng lực đã yếu nhưng sức cạnh tranh lại thấp, trong khi đó chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các đơn hàng và sản lượng đã giảm mạnh.

Chi phí sản xuất đang tăng cao, do giá nguyên vật liệu đầu vào đang tăng rất cao. Chi phí vận chuyển logistics trong nước của chúng ta cũng cao hơn so với các nước trong khu vực. Cộng với đó là chi phí phải phòng ngừa cho Covid-19, đồng thời tổng cầu trên thế giới đã giảm mạnh, dẫn tới giảm doanh thu, giảm các đơn hàng.

"Nhiều doanh nghiệp phải đối diện với rủi ro thu hồi nợ và mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoạt động. Năm 2020 tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận chiếm 33,86%, 3 tháng đầu năm có khoảng 60 doanh nghiệp phát sinh doanh thu. 6 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng cao, tăng 24,9%, tức là xấp xỉ 25% số đã rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đã xuất hiện một số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn" - ông Dũng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ tinh thần đồng hành cùng với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đó là Nghị quyết 41, 42, 84, 68, Nghị định 52, Nghị định 44, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 116 để giãn, hoãn các khoản thuế, cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên các nhóm nợ... để hỗ trợ cho doanh nghiệp, kể cả gói 26.000 tỷ của Nghị định 68 vừa qua để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động, chung quy cũng là để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Những chính sách này đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp để có thể đạt được mục tiêu, kết quả của năm 2020 với xấp xỉ 3% GDP.

"Hiện nay tình hình vẫn đang rất phức tạp, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt trong thời gian áp dụng các chính sách giãn, hoãn, Chính phủ đã chỉ đạo việc tiếp tục cập nhật tình hình các doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu các giải pháp, chính sách tiếp tục để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước cũng đang tiến hành nghiên cứu các gói hỗ trợ tiếp theo" - ông Dũng cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh 

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *