Bất động sản 11/12/2013 11:37

Gói 30.000 tỷ: Vẫn mãi điệp khúc "thúc" giải ngân

FICA - Đã nhiều lần cơ quan điều hành "thúc" tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ tuy nhiên trên thực tế, tốc độ giải ngân thời gian qua cũng không có sự đột phá!

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà ở xã hội và cải thiện nhà ở. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên cơ quan điều hành "thúc" tốc độ giải ngân và trên thực tế, tốc độ giải ngân thời gian qua cũng không có sự đột phá!
 
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến 31/10/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng cá nhân với số tiền là 333,1 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 905 khách hàng với dự nợ 220,9 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, NHNN đã xác nhận đăng ký của BIDV, Vietinbank và Agribank được ký hợp đồng tín dụng với 7 doanh nghiệp tại TPHCM, Huế, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương và Đà Nẵng với số tiền cam kết là 870,4 tỷ, trong đó đã giải ngân cho 4 doanh nghiệp với số tiền là 122,6 tỷ đồng.

Như vậy, sau 5 tháng triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng hơn 1%. Con số giải ngân này cũng thấp hơn rất nhiều so với 15 - 20 nghìn tỷ đồng kỳ vọng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp hồi tháng 5 vừa qua.

Lý giải về việc giải ngân chậm, tại buổi tọa đàm do Báo điện tử Bizlive tổ chức sáng nay (11/12), GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay khung pháp lý đang làm khó khăn cho việc giải ngân gói 30.000 tỷ nhằm hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp có thể mua được nhà ở. Tuy nhiên, theo ông, việc tháo gỡ khung pháp lý này là điều cần thiết, nhưng cũng cần xem xét tới một số cơ chế phù hợp cần được ưu tiên hơn.

"Ví dụ, pháp luật hiện nay vẫn quy định là người mua nhà phải chứng minh được khả năng trả nợ mà người có thu nhập thấp thì không thể chứng minh được khả năng này. Vậy tháo gỡ khung pháp lý mà chỉ bỏ đi cơ chế bắt chứng minh khả năng trả nợ thì có thể lai rơi vào nợ xấu", ông nói.

Theo ông Võ, như kinh nghiệm nước ngoài họ đã gắn việc trả nợ với một cộng đồng những người có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà. Cộng đồng này sẽ tìm cách giám sát việc trả nợ, chịu trách nhiệm với ngân hàng việc trả nợ của cả cộng đồng, liên hệ với các tổ chức hoạt động vì mục tiêu xã hội để tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội đối với cộng đồng.

"Điều này có nghĩa, việc cởi mở khung chính sách phải gắn với các cơ chế đặc thù để việc sử dụng vốn vay có hiệu quả và có khả năng trả được nợ", ông nói.

Dù vậy, GS. Đặng Hùng Võ cũng không loại trừ khả năng xảy ra tình trạng đầu cơ nhà ở xã hội khi các quy định được nới. "Sự tháo gỡ chính sách một cách đơn giản cũng có thể dẫn tới khả năng xuất hiện các đầu nậu. Vậy thì bên cạnh việc tháo gỡ chính sách để giải tỏa các vướng mắc hiện nay đối với nhà ở xã hội thì chúng ta phải tư duy đến những cơ chế hiệu quả hơn về việc trợ giúp xã hội hoặc nhà nước đối với những người có thu nhập thấp", ông nói.

Trong khi đó, đối với gói 30 nghìn tỷ "xịt ", TS. Quách Mạnh Hào lại cho rằng đây là một lựa chọn sai vì gói 30 nghìn tỷ đó không phải là cách giải quyết thị trường bất động sản trong thời điểm này bởi mấu chốt của vấn đề không phải là tín dụng mà là giá của tài sản bong bóng vẫn chưa được giải quyết.

Đồng quan điểm, trao đổi với báo giới trước đó, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, nguyên nhân khiến cho gói 30.000 tỷ thất bại là do Nghị quyết 02 và gói này đã ra trễ mất 2 năm.

"Lúc bệnh nhân còn có sức khỏe thì thuốc còn có khả năng trị được, vậy mà lúc đó chúng ta lại không chịu cho thuốc, ai nấy đều tự che dấu bệnh tật của BĐS, ai cũng lạc quan vượt qua khó khăn, chuẩn bị phát triển. Cho nên đợi đến khi BĐS chìm nặng trong bệnh tật thì việc cứu chữa là cực kỳ khó khăn. Thuốc thì không đủ mạnh, tức là không đúng liều, mà trị khi bệnh đã nặng là không đúng lúc. Nên ngay tại thời điểm này, bệnh nhân đã từ chối thuốc", ông Đực nói.

Theo ông Đực, cứu bất động sản không phải bằng tiền mà bằng chính sách, và những luật lệ thì cần phải hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân. Thế nhưng những thủ tục của chúng ta rất lâu, rất rườm rà, không muốn nói là ngăn cản doanh nghiệp như ở TPHCM. Mà kể cả bây giờ có thay đổi chính sách thì cũng là quá muộn.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *